Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, chiều nay, 15/5, các ĐBQH thảo luận ở Tổ về: dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền và chủ đầu tư
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, các ĐBQH cơ bản tán thành cần ban hành nghị quyết để tạo điều kiện thuận cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo “cú hích, đòn bẩy, điểm tựa” tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.
ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình) phát biểu
Song, ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình) đề nghị, những nội dung nào có thể triển khai được thì cần quy định cụ thể hơn trong dự thảo Nghị quyết, còn những nội dung mang tính nguyên tắc thì chuyển sang các luật liên quan quy định.
Tại Điều 7 dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, khoản 4 quy định:
Đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xác định diện tích đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng để dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại.
Đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị, hoàn thiện nội dung trên theo hướng phải quy định kỹ lưỡng hơn về cơ chế chính sách và kinh phí hỗ trợ hạ tầng cho khu công nghiệp để thuận lợi cho quá trình triển khai.
Điều 11 về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, khoản 1 quy định gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo.
Tuy nhiên, quy định như vậy là chưa thống nhất với khoản 2 Điều 10 của Luật Đấu thầu năm 2023 là các ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu bao gồm “gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ tham dự thầu”.
Theo đại biểu Lại Văn Hoàn, cần làm rõ cơ sở của đề xuất gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng tại dự thảo Nghị quyết; đồng thời, có dự báo tác động của chính sách này.
Về đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, một số ý kiến đề nghị, quy định rõ về trách nhiệm của người có thẩm quyền và chủ đầu tư khi được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu.
Quang cảnh thảo luận tạiTổ 10 (Thái Bình, Đắk Nông, Phú Yên)
Bổ sung quy định về việc phải tuân thủ luật pháp nước sở tại
Nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là phù hợp với thực tiễn hiện nay, ĐBQH Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) nhấn mạnh, việc xây dựng Luật nhằm xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng cho hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.
Đại biểu cũng đánh giá cao sự tiếp thu của cơ quan soạn thảo về việc cần có chính sách tôn vinh, khen thưởng hợp lý, kịp thời đối với cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia của nước ta tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vì lực lượng này phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. “Đây cũng là chính sách rất nhân văn”, đại biểu khẳng định.
Để thể chế hóa các quy định, bảo đảm hoạt động tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, đại biểu Phạm Nam Tiến cho rằng, ngoài việc tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế thì dự thảo Luật cần bổ sung quy định về việc phải tuân thủ luật pháp nước sở tại.
Bên cạnh đó, xây dựng quy định khái quát làm căn cứ để Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng chế độ, chính sách cho lực lượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Một số nội dung cũng cần xây dựng theo hướng khái quát hơn, giao Chính phủ quy định cụ thể như: dấu hiệu nhận biết phương tiện của lực lượng Việt Nam; gắn biển số, cờ hiệu...
Minh Trang