Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chủ trì thảo luận tại tổ chiều 15/5. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Chủ trì thảo luận tại tổ, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã đề nghị làm rõ, bổ sung một số nội dung trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Đại biểu Lê Văn Hiệu bày tỏ băn khoăn về quy định bảo đảm bình quân tối thiểu 20 ha hoặc 5% tổng diện tích đất công nghiệp của các khu, cụm công nghiệp thành lập mới sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW có hiệu lực thi hành dành cho các doanh nghiệp tư nhân công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo đại biểu Lê Văn Hiệu, quy mô các khu công nghiệp hiện nay thường không lớn và quy mô các cụm công nghiệp còn nhỏ. Nếu quy định dành tối thiểu 20 ha thì chiếm diện tích quá lớn, còn áp dụng 5% tổng diện tích khu, cụm công nghiệp thì diện tích rất nhỏ.
“Các cụm công nghiệp hiện nay thường có tính chất phân bổ ở các vùng khác nhau để thu hút một số loại hình doanh nghiệp nhỏ. Quy mô diện tích các cụm công nghiệp không vượt quá 75 ha. Vì vậy nếu chỉ dành 5% cho các doanh nghiệp diện ưu đãi thì chỉ được khoảng gần 4 ha. Cần nghiên cứu để bảo đảm diện tích phù hợp”, đại biểu Lê Văn Hiệu phân tích.
Về quy định trong thời hạn 2 năm kể từ khi khu, cụm công nghiệp hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà không có các doanh nghiệp được ưu đãi đầu tư thì được cho doanh nghiệp khác thuê, đại biểu Lê Văn Hiệu cho rằng cần bổ sung quy định kèm theo để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp diện ưu đãi.
Đó là khi nào các khu, cụm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp bình thường vào đầu tư sử dụng hết quỹ đất còn lại thì mới được sử dụng đến quỹ đất dành cho các doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi.
Về hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong vòng 5 năm cho các doanh nghiệp tư nhân công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị xem xét tăng thời gian hỗ trợ lên 10 năm. Các địa phương sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể, trong đó có điều kiện về kinh tế, ngân sách để quyết định thời gian hỗ trợ.
Đại biểu Lê Văn Hiệu cũng cho rằng khi không áp dụng phương thức khoán thuế đối với các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mà thực hiện theo pháp luật quản lý về thuế thì cần giao cho Chính phủ quy định đơn giản hóa về quyết toán thuế.
“Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhỏ mà phải thuê kế toán để thực hiện quyết toán thuế thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy cần có quy định đơn giản hóa thủ tục để một người kinh doanh không có chuyên ngành về quản lý kinh tế, kế toán cũng có thể thực hiện được quyết toán thuế”, đại biểu Lê Văn Hiệu đề nghị.
Đối với quy định ưu đãi các doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu sử dụng ngân sách có giá trị không quá 20 tỷ đồng, đại biểu Lê Văn Hiệu cho rằng cần làm rõ khái niệm “chủ doanh nghiệp” là chủ tịch hội đồng quản trị hay là người góp vốn nhiều nhất, giám đốc điều hành… để bảo đảm thực hiện ưu đãi đúng đối tượng.
Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Hiệu cũng đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm các cơ quan truyền thông, báo chí, tổ chức, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến các hộ kinh doanh và cá thể kinh doanh. Chứ không chỉ cấm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đối với doanh nghiệp, doanh nhân như dự thảo nghị quyết nêu.
Đại biểu Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội phát biểu thảo luận. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Tại phiên thảo luận, các đại biểu khác trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước và đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất các chính sách đột phá nhằm thể chế Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đáp ứng những nhu cầu cấp bách trong thực tiễn.
Các đại biểu đề nghị rà soát và điều chỉnh toàn diện, thống nhất hệ thống pháp luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ. Đồng thời cần có các quy định cụ thể về cơ chế, quy trình thực hiện để giải quyết các vấn đề vướng mắc để bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả…
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, các đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, bao gồm cả cán bộ, chuyên viên tham mưu, giúp việc cho các Đoàn Đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung các cơ quan, tổ chức của Đảng và MTTQ Việt Nam vào đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Có quy định rõ hơn về việc kéo dài thời gian công tác của các chuyên gia xây dựng pháp luật. Có hướng dẫn chi tiết về hoạt động và định mức chi của quỹ hỗ trợ xây dựng pháp luật để bảo đảm khách quan, minh bạch…
HOÀNG BIÊN