Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 15/5. Ảnh: VPQH cung cấp.
Ngày 15/5, tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng nêu tại Nghị quyết số 68 về kinh tế tư nhân. Qua đó tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân...
Dự thảo Nghị quyết gồm 7 Chương và 17 Điều, trong đó dành một chương về cải thiện môi trường kinh doanh.
Phân định rõ trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự các thành phần trong khối kinh tế tư nhân
Cụ thể, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, khắc phục tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm…, dự thảo nghị quyết quy định không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực tài nguyên khác. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi làm hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình. Ảnh: VPQH cung cấp.
Đặc biệt, đối với nguyên tắc xử lý các vi phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, dự thảo nghị quyết phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.
Đối với vi phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.
Đối với vi phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế chủ động, kịp thời và toàn diện trước và là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.
Dự thảo nghị quyết cũng quy định không áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án…
Mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án trọng điểm quốc gia
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, dự thảo nghị quyết quy định hai chính sách cho nhóm doanh nghiệp này. Đáng chú ý là chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.
Theo đó, Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật.
Người có thẩm quyền, chủ đầu tư được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh, những nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách.
Việc này được thực hiện trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Tránh cơ chế “xin-cho” trong hỗ trợ đất đai cho khối kinh tế tư nhân
Một trong những khó khăn lớn được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh trong thời gian qua là, việc khó khăn trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao khả năng tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp, dự thảo nghị quyết dành một chương quy định một số chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp.
Cụ thể, về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ (Điều 7), dự thảo nghị quyết quy định, đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới sau ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xác định diện tích đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng diện tích đất đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng để dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê, thuê lại.
“Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định này để tránh cơ chế "xin - cho", trục lợi chính sách, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi đề nghị khi trình bày báo cáo thẩm tra.
Về hỗ trợ tài chính, tín dụng (Điều 9), Chính phủ đề xuất doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhận thấy, cần bảo đảm quy định rõ ràng về tiêu chí xác định đối tượng cho vay, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra tại Điều 5 dự thảo nghị quyết và Nghị quyết số 68, bảo đảm cơ quan nhà nước, ngân hàng thương mại thực hiện nguyên tắc tự quyết định, tự chịu trách nhiệm khi triển khai thực hiện chính sách.
Có ý kiến cho rằng, vấn đề đặt ra là cần sớm xây dựng tiêu chí rõ ràng về “dự án xanh, tuần hoàn, ESG”, bảo đảm việc xác định đối tượng hưởng ưu đãi chính xác, tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa "xanh" để nhận hỗ trợ.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá tác động để có thể mở rộng phạm vi hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho cả các dự án đổi mới công nghệ, chuyển đổi số quy mô lớn của doanh nghiệp tư nhân...
Minh Khôi