Hỗ trợ thiết thực
Người từng vi phạm pháp luật, sau khi chấp hành xong hình phạt tù, trở về với cuộc sống đời thường thường gặp muôn vàn khó khăn. Đó không chỉ là vấn đề vật chất như việc làm, nhà ở, điều kiện kinh tế, mà còn là rào cản vô hình từ định kiến xã hội. Nhiều người không được chấp nhận, thậm chí bị kỳ thị, xa lánh, khiến họ mất phương hướng, dễ tái phạm.
Trao quyết định tha tù trước thời hạn cho phạm nhân tại Trại tạm giam tỉnh (khu vực Đắk Nông)
Hiểu được điều đó, tỉnh Lâm Đồng đã xác định việc giúp đỡ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng, gắn với bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công tác này được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đoàn thể và cộng đồng dân cư, công tác tái hòa nhập cộng đồng ở Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng một xã hội nhân ái, an toàn và bền vững.
Ra mắt mô hình giải quyết việc làm cho người tái hòa nhập cộng đồng tại xã Quảng Khê
Tại nhiều địa phương trong tỉnh chính quyền và lực lượng công an đã xây dựng các mô hình cụ thể, thiết thực để giúp người từng lầm lỡ tái hòa nhập. Một trong những mô hình tiêu biểu là “Câu lạc bộ tái hòa nhập cộng đồng”, “Tổ cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm tại cộng đồng dân cư”...
Các mô hình này hoạt động theo nguyên tắc tình nguyện, lấy tình cảm và sự thuyết phục làm trọng tâm, tạo môi trường thân thiện để người từng vi phạm pháp luật có thể chia sẻ tâm tư, định hướng tương lai. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể địa phương cũng giúp họ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.
Hiện nay, các địa phương đang áp dụng hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho người lầm lỡ theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 49/2020/NĐ-CP. Người lầm lỡ được vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất kinh doanh hoặc 4 triệu đồng/tháng nếu học nghề. Thời hạn vay tối đa lên đến 120 tháng, không cần tài sản bảo đảm.
Tại xã Kiến Đức, anh Nguyễn Văn T. (SN 1985) từng chịu án 5 năm tù vì tội trộm cắp tài sản. Sau khi chấp hành xong án phạt, trở về địa phương, anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm việc làm. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, hỗ trợ của công an xã và hội nông dân, anh đã mạnh dạn vay vốn, mở một cơ sở sửa chữa xe máy nhỏ. Đến nay, sau hơn 4 năm, anh đã có thu nhập ổn định và còn tạo việc làm cho 2 người lao động khác.
Anh T. chia sẻ: “Lúc đầu tôi rất sợ, nghĩ sẽ chẳng ai tin tưởng mình nữa. Nhưng các anh công an xã đến nhà, động viên, thậm chí dẫn tôi đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn. Chính nhờ sự tin tưởng ấy mà tôi có động lực làm lại từ đầu.”
Tiện rửa xe 79 của anh Lương Nguyễn Bá H ở xã Quảng Khê
Tháng 6/2023, sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh Lương Nguyễn Bá H, xã Quảng Khê, trở về địa phương để bắt đầu lại cuộc sống mới nhưng gặp không ít khó khăn khi tìm việc làm. Được sự quan tâm, tạo điều kiện, anh H được vay 90 triệu đồng và tạo điều kiện cho mượn mặt bằng để mở cơ sở rửa xe ô tô, xe máy theo Nghị định số 49.
Anh H cho biết, cơ sở rửa xe đi vào hoạt động từ tháng 2/2024, với lượng khách khá ổn định, giúp anh có thu nhập khoảng 12 - 15 triệu đồng mỗi tháng. Cơ sở rửa xe còn tạo việc làm cho 2 người mới chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
“Được tạo điều kiện vay vốn, tôi đã có việc làm, thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân, chăm lo gia đình. Tôi sẽ nỗ lực lao động, phát triển cơ sở kinh doanh, trở thành người có ích cho xã hội”, anh Lương Nguyễn Bá H chia sẻ.
Tiếp tục nhân rộng
Song song với việc hỗ trợ người lầm lỡ, tỉnh Lâm Đồng cũng chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Thông qua các hội nghị, buổi sinh hoạt tổ dân phố, chương trình truyền hình địa phương, các câu chuyện tái hòa nhập được kể lại một cách chân thực, đầy nhân văn.
Nhiều địa phương đã tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ giữa người từng vi phạm pháp luật với cộng đồng, để mọi người hiểu rằng họ xứng đáng có cơ hội thứ hai. Nhờ đó, tư tưởng kỳ thị, xa lánh người từng phạm tội dần được xóa bỏ, thay vào đó là tinh thần chia sẻ và hỗ trợ.
Lực lượng công an thăm, động viên người tha tù tái hòa nhập cộng đồng chăm chỉ làm ăn
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác tái hòa nhập cộng đồng tại Lâm Đồng vẫn còn gặp một số khó khăn như thiếu nguồn lực hỗ trợ ban đầu, việc tạo việc làm ổn định còn hạn chế, một bộ phận người dân vẫn còn e dè, định kiến.
Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường phối hợp, nhân rộng các mô hình hiệu quả; đồng thời đề xuất Trung ương hoàn thiện chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; lồng ghép với chương trình mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở.
Tái hòa nhập cộng đồng không chỉ là trách nhiệm của riêng người từng lầm lỡ, mà là trách nhiệm của cả xã hội. Tại Lâm Đồng, những việc làm cụ thể, những mô hình nhân văn đang từng ngày thắp lên hy vọng cho những mảnh đời từng sa ngã. Khi xã hội mở lòng, trao cơ hội, thì chính điều đó sẽ góp phần tạo dựng một cộng đồng an toàn, bao dung và phát triển bền vững.
Đến nay, chỉ tính riêng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Đắk Nông (thuộc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng) có 151 người chấp hành xong án phạt tù đang vay vốn, với tổng dư nợ hiện đạt hơn 13,3 tỷ đồng.
Hoàng Thanh