Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có đàn lợn đạt gần 1.350.000 con
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh Lâm Đồng, tính đến hết tháng 6/2025, toàn tỉnh Lâm Đồng có đàn lợn đạt khoảng 1.347.555 con. Trong đó, tỉnh Bình Thuận cũ có 414.992 con, Lâm Đồng cũ 443.810 con, Đắk Nông cũ có 488.753 con), đạt 92% kế hoạch năm 2025 và tăng 6,4% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi đạt khoảng 120.813 tấn. Trong đó, Bình Thuận cũ đạt 36.975 tấn, Lâm Đồng cũ đạt 39.544 tấn; Đắk Nông cũ đạt 44.294 tấn, đạt 50% so với kế hoạch và tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Ước thực hiện năm 2025 tỉnh Lâm Đồng, tổng đàn lợn đạt khoảng 1.491.520 con, đạt 100% kế hoạch và tăng 9,1% so cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi đạt khoảng 241.626 tấn.
Ông Phạm Phi Long - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y Lâm Đồng, trong năm 2025, đàn lợn tỉnh Lâm Đồng có xu hướng tăng trưởng cả về số lượng và sản lượng thịt hơi xuất chuồng, tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi và biến động thị trường.
Chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp phát triển, nhiều trang trại quy mô vừa, lớn được đầu tư bài bản áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, khép kín, giúp nâng cao hiệu quả và giảm rủi ro dịch bệnh. Thị trường tiêu thụ trong, ngoài tỉnh được mở rộng, giá lợn hơi duy trì ở mức cao tạo động lực cho người chăn nuôi đầu tư phát triển.
Phấn đấu năm 2026, tổng đàn lợn đạt 1.569.079 con, sản lượng thịt lợn hơi đạt 254.191 tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Ngành Nông nghiệp cũng tiến hành cơ cấu lại đàn lợn theo hướng giảm dần tỷ trọng trong cơ cấu ngành chăn nuôi để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tỉnh chú trọng phát triển các giống lợn lai, lợn ngoại có năng suất, chất lượng, thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu của tỉnh để đưa vào sản xuất. Tỉnh thực hiện chuyển dần chăn nuôi quy mô nông hộ sang chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn, tập trung tại các xã Tân Hà Lâm Hà, Nam Ban Lâm Hà, Phúc Thọ Lâm Hà; Hiệp Thạnh, Tân Hội, Đạ Tẻh, Cát Tiên 3, Đạ Huoai, Đắk Wil, Đắk Mil, Đức Xuyên, Quảng Tân, Quảng Sơn, Quảng Tín, Phan Sơn, Hòa Thắng, Hàm Thuận, Hàm Thuận Bắc, Hồng Sơn, Tân Minh, Hàm Tân, Sơn Mỹ, Trà Tân…
Tỉnh Lâm Đồng là địa phương có nguy cơ xâm nhiễm cao dịch tả lợn Châu Phi
Tuy nhiên, người chăn nuôi đang đứng trước nổi lo lớn khi hiện nay, diễn biến của dịch tả lợn châu Phi tại các địa phương khác trong cả nước đang hết sức phức tạp. Nhiều địa phương lân cận đã phát sinh dịch bệnh, chính vì vậy nguy cơ xâm nhập của bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Lâm Đồng rất lớn.
Thời điểm này, công tác phòng, chống dịch bệnh được đặc biệt tăng cường, các địa phương và người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh từ sớm, chủ động ứng phó và xử lý kịp thời.
Mới đây, ngày 26/7, UBND xã Bảo Lâm 1 thông tin, trên địa bàn xã đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều con lợn bị nhiễm bệnh và chết.
Trên địa bàn xã Bảo Lâm 1 đã xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi khiến nhiều con lợn bị nhiễm bệnh và chết
Đối với số lợn bị chết, chính quyền địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng và hộ chăn nuôi tiến hành tiêu hủy ngay theo đúng quy định phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng thời, tiến hành phun xịt, tiêu độc khử trùng chuồng trại và các khu vực lân cận theo quy định phòng chống dịch bệnh.
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng đã gấp rút chỉ đạo các cơ quan chuyên môn; phối hợp cùng các địa phương gấp rút triển khai các giải pháp, phương án phòng, chống bệnh dịch. Công tác kiểm soát, khống chế, phòng chống dịch bệnh phát tán ra diện rộng đang được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương gấp rút triển khai. Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lâm Đồng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vật tư, trang thiết bị để phòng chống và dập dịch nếu bùng phát trên địa bàn.
Để triển khai công tác phòng chống dịch có hiệu quả, đơn vị đang tiếp tục cập nhật tình hình dịch bệnh trên cả nước, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương để kịp thời thông tin, tuyên truyền đến người dân, cơ sở chăn nuôi để nâng cao ý thức, cùng với chính quyền thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Mặt khác, đơn vị đã thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch, bệnh tại các địa phương; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về xử lý ổ dịch (nếu có), công tác tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng, lấy mẫu xét nghiệm phục vụ phòng chống, dịch bệnh.
Đồng thời, chủ động nguồn hóa chất, kịp thời cấp cho các địa phương nếu có xuất hiện ổ dịch để thực hiện việc khử trùng tiêu độc môi trường. Chỉ đạo các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Riêng đối với UBND các xã, phường, đặc khu, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương tổ chức tốt việc giám sát, chủ động lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để ổ dịch nếu có, không để lây lan diện rộng.; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo đúng quy định các trường hợp buôn bán.
Ngành chức năng, các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi hàng ngày thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Trường hợp phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân cần khai báo chính quyền địa phương tuyệt đối không bán chạy, vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Ngành chức năng, các địa phương giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia súc gia cầm; sản phẩm từ gia súc gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán lợn sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển lợn.
Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh của gia đình ông Th. tại xã Bảo Lâm 1, tỉnh Lâm Đồng (Ảnh: Khánh Phúc)
Tăng cường quản lý hoạt động kiểm soát giết mổ, kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
HOÀNG SA