Sắc màu nông thôn mới dưới chân núi Bidoup, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Lâm Đồng, với lịch sử đấu tranh anh hùng, đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đổi thay. Những vùng căn cứ và chiến khu xưa nhuốm màu cỏ cháy giờ đang chuyển mình mạnh mẽ; những thôn, buôn giờ đã “dệt” những miền xanh thanh bình.
Ký ức hào hùng
Trong ngôi nhà khang trang bên suối Đạ Kơi, già làng, cựu du kích K’Sáu đón chúng tôi với nụ cười đôn hậu. Dù đã qua 76 mùa rẫy, nhưng giọng nói của già vẫn chắc nịch như cây rừng: “Cách mạng về, cán bộ và Bộ đội Cụ Hồ về, người Mạ ở Lộc Lâm như gặp ánh sáng mặt trời. Từ đó, dân làng chỉ nghe theo lời Đảng, lời Bác xây dựng lực lượng, dũng cảm chiến đấu bảo vệ buôn làng”.
Xã Lộc Lâm có gần 3.000 người sinh sống, chủ yếu là dân tộc Mạ với hơn 83% dân số. Năm 1978, Lộc Lâm vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngược dòng ký ức, già K’Sáu kể, thời kháng chiến, các xã Lộc Bắc, Lộc Nam, Lộc Lâm đã phát động các phong trào “năm thi đua”, “bốn nhất” trong thanh niên, thực hiện chống càn để bảo vệ căn cứ, chống biệt kích, bắn máy bay địch, bổ sung lực lượng cho các đơn vị vũ trang…
Thời đó, cả xã Lộc Lâm chỉ hơn 300 người, nhưng có khoảng 80 người Mạ ở các buôn làng tham gia quân giải phóng, các cơ quan kháng chiến và tham gia bảo vệ căn cứ, tải đạn, lương thực phục vụ chiến đấu và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh Lâm Đồng, đầu mối trên tuyến hành lang đông-tây của chiến trường miền nam.
Với vị trí quan trọng, Lộc Lâm trở thành vùng chiến địa ác liệt. Quân và dân Lộc Lâm đã tham gia 93 trận đánh, diệt 370 tên địch, bắn rơi sáu máy bay. “Hàng chục người con Lộc Lâm đã anh dũng ngã xuống để có ngày đất nước thống nhất và buôn làng có cuộc sống yên bình hôm nay”, cựu du kích K’Sáu chia sẻ.
Chiều, dừng ở lưng chừng núi, có thể bao quát diện mạo mới của xã anh hùng Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng với những buôn làng bình yên, những vườn cà-phê, cây ăn trái mát xanh.
“Chuyện xưa đánh giặc bảo vệ buôn làng nhiều lắm, phải kể thâu đêm suốt sáng như hát kể yal yau mới hết. Trong kháng chiến chống Mỹ, xã 5 - tên cũ của Đinh Trang Thượng, là vùng chiến lược quan trọng nên thường diễn ra các cuộc giao tranh kéo dài đến mùa xuân năm 1975”, nguyên Bí thư Đảng ủy xã K’Brền đón chúng tôi bằng câu chuyện ký ức.
Thời đó, xã 5 có khoảng 350 người, nhưng có đến 29 liệt sĩ, 7 thương, bệnh binh; 33 gia đình được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến, 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nhấp ngụm nước suối mát lành, ông K’Brền kể, theo bước chân cha anh, năm 1961, ông đã bám rừng làm cách mạng; đến đầu năm 1968, ông vinh dự là Bộ đội Cụ Hồ. “Mỗi lần nhìn lại những tấm huân chương cao quý được Nhà nước trao tặng, mình lại nhớ những đồng đội năm xưa đã hòa dòng máu anh hùng trong lòng đất mẹ”, ông K’Brền xúc động.
Trên cung đường nối phố hoa Đà Lạt và phố biển Nha Trang, chúng tôi đến xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng để nghe kể chuyện kháng chiến. Trong nếp nhà truyền thống, khi nhắc lại chuyện xưa, cựu chiến binh, già làng Ha Tam như bắt được mạch nguồn, già bảo, thời kháng chiến, tất cả bà con ở các buôn làng Đồng Mang, Đạ Tro, Đưng K’Si, KLong KLăn đều nhất tề theo cách mạng, tham gia kháng chiến.
Con gái, con trai biết cầm con dao là biết vót chông; lớn hơn thì cầm súng vào du kích hoặc vào bộ đội; người già thì lên nương trồng tỉa để lấy lương thực nuôi quân.
Ông kể: “Đồng bào mình một lòng theo Đảng, theo cách mạng để bảo vệ buôn làng, không sợ gì đâu. 18 tuổi mình làm giao liên, sau hai năm thì xung phong đi tải đạn. Ngày đó, máy bay địch ném bom vùng này dữ lắm, mình may mắn sống sót, nhưng vùng này nhiều người đã ngã xuống…”.
Sáng tươi những vùng quê cách mạng
Thời binh lửa đã lùi vào dĩ vãng, lịch sử đã khắc ghi. Lộc Lâm hôm nay là những buôn làng người Mạ bình yên, tươi mới, được bao bọc bởi những cánh rừng già và dòng Đạ Kơi mát lành.
Tinh thần kháng chiến xưa đã hòa vào tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng buôn làng no ấm, tươi đẹp hôm nay trên vùng đất anh hùng và kỳ tích đã đến khi Lộc Lâm đạt xã nông thôn mới.
Cách đây 15 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 47,6%, nay giảm còn 3,4%; nhà cửa của người dân đã đàng hoàng hơn, đời sống được nâng cao. “Ngắm nhìn sự đổi thay từng ngày của vùng đất quê hương mình rất tự hào. Rồi đây, Lộc Lâm tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, sẽ phát triển xanh như rừng núi nghĩa tình”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Lâm K’Giáp tin tưởng.
Từng là xã được liệt vào danh sách đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng, nhưng giờ đây Đinh Trang Thượng đã khoác lên mình một màu xanh tươi mới của sự thanh bình và ấm no. “Chuyện xưa không kể hết đâu, giờ phải nói chuyện phát triển; cơm ngon, áo đẹp; chuyện con cái học đại học…”, cựu chiến binh K’Pố khảng khái.
Dù có tỷ lệ thương tật 61%, song, già K’Pố vẫn cùng dân làng chung tay phát triển kinh tế. “Mình là Bộ đội Cụ Hồ, sống ở đất anh hùng, mình phải làm gương. Gia đình mình có 3,5ha đất, mình trồng cà-phê, tiêu, rồi chăn nuôi, không để đất “chết”... Năm vừa rồi, gia đình mình có thu nhập hơn 700 triệu đồng, cũng đáng để bà con học hỏi, làm theo và nâng cao đời sống. Bác Hồ nói “dân giàu, nước mạnh” mà”, già K’Pố cười mãn nguyện.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đinh Trang Thượng K’Sor Huân chia sẻ, bây giờ trên địa bàn xã có rất nhiều gia đình triển khai mô hình sản xuất và có thu nhập như già K’Pố, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên 47 triệu đồng. “Những con đường đất đỏ mưa lầy, nắng bụi đã lùi vào quá khứ... Xã anh hùng giờ là diện mạo nông thôn mới tươi đẹp”, ông K’Sor Huân tự hào.
Đạ Chais cũng thế, từ khi có Quốc lộ 27C ngang qua đã tạo cho vùng đất anh hùng này thế phát triển mới. “Đạ Chais giờ là xã nông thôn mới, đời sống nhân dân đã khá hơn rất nhiều”, cựu chiến binh, già làng Ha Nhưng cho biết.
“Phát huy truyền thống hào hùng của cha ông, lớp trẻ chúng tôi luôn phát huy tinh thần xung kích, giúp nhau và hỗ trợ dân làng cùng phát triển kinh tế. Xã đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/năm”, Cil Ha Niên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đạ Chais, gương mặt trẻ làm kinh tế giỏi, chia sẻ.
Lâm Đồng có 47 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số hơn 25,7%. Giai đoạn 2019-2024, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động hơn 15.000 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới; tổng nguồn lực đầu tư dành riêng vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Lâm Đồng hơn 1.264 tỷ đồng, nâng mức thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số lên hơn 50 triệu đồng/năm.
Đến nay, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, nằm trong nhóm có mức thu ngân sách năm hơn 10.000 tỷ đồng, chất lượng sống của người dân được nâng cao.
Ngày nay, Lâm Đồng không còn nơi nào thật sự là vùng xa nữa, những con đường nhựa, bê-tông đã thay những con đường đất đỏ nối những buôn làng. Những xã anh hùng như Đồng Nai Thượng, Sơn Điền, Lộc Lâm không còn là “ốc đảo”; Lộc Bắc, Lộc Nam, BGia không còn là “xứ cô đơn”; Quảng Lập, Hòa Bắc, Lộc An, Xuân Trường đã trở thành những vùng đất đầy sức sống.
Toàn tỉnh Lâm Đồng có 14 xã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện tất cả 106 xã trong toàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 98,9 triệu đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái tin tưởng, Lâm Đồng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng; vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức; khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực; không ngừng nỗ lực xây dựng và phấn đấu trở thành địa phương vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng-an ninh; ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
MAI VĂN BẢO