60 năm kể từ khi ra đời, đường sắt tốc độ cao đã phát triển tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 60 nghìn km đã đưa vào khai thác, khoảng 20 nghìn km đang được xây dựng.
Tại Việt Nam, sơ bộ tổng kinh phí đầu tư đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD. Bình quân khoảng 43 triệu USD/km, mức trung bình so với các nước trên thế giới.
Theo kinh nghiệm quốc tế, để đảm bảo tính khả thi, nguồn vốn ngân sách nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo, kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp khác trên nguyên tắc chi phí hợp lý và không chịu ràng buộc về công nghệ. Ngoài ra, cần huy động các nguồn vốn chi phí thấp khác trong, ngoài nước.
Trong quá trình khai thác sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư khu dịch vụ, thương mại tại các ga, doanh nghiệp trả phí thuê kết cấu hạ tầng cho nhà nước. Mỗi năm bình quân dự án đường sắt tốc độ cao cần khoảng cần khoảng 5,6 tỷ USD.
Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết: "Chúng tôi phân tích các kịch bản, độ nhạy tài chính về mặt tài chính, kinh tế để có tiên lượng, giải pháp để kiểm soát trong quá trình triển khai".
Các doanh nghiệp Việt đều rất quyết tâm và đang nỗ lực chuẩn bị những bước đi cụ thể cả về nhân sự, máy móc thiết bị trong nước và nước ngoài. Vì là dự án lớn, các doanh nghiệp cần cùng nhau bắt tay hình thành liên danh giữa các nhà thầu lớn mạnh để đảm nhận được những công trình quan trọng của dự án. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là dự án không quá khó về mặt công nghệ nhưng quy mô lại rất lớn.
Dự án Đường sắt tốc độ cao mang lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt, nhưng nếu không chuẩn bị kỹ, doanh nghiệp Việt có thể thua ngay trên sân nhà vì đây là dự án được làm theo tiêu chuẩn kỹ thuật chính xác cao, công nghệ hiện đại, lại chưa từng triển khai ở trong nước.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao là hiện đang rất thiếu nguồn nhân lực trong nước về đường sắt. Việc đào tạo con người phải mất từ 5-10 năm nên rất cần đào tạo sớm từ bây giờ để nâng cao trình độ của kỹ sư trong nước, từ đó mới dễ dàng tiếp cận công nghệ của nước ngoài.
Kết quả nổi bật về phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian qua; sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tiềm lực, vị thế quốc gia, cùng với sự thống nhất quyết tâm trong hành động, chưa bao giờ khả năng hiện thực hóa khát vọng về tuyến đường sắt tốc độ cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng gần với thực tế như hiện nay.
Anh Tuấn
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/lam-duong-sat-cao-toc-co-hoi-voi-doanh-nghiep-viet-281883.htm