Nói về việc đa dạng thị trường xuất khẩu (XK) cho năm 2025 sắp đến, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho rằng việc này không hề dễ dàng với những doanh nghiệp (DN) có tiềm lực tài chính mỏng, có giá trị đơn hàng XK không cao.
Không dễ nhưng phải làm
Trao đổi với VnBusiness, ông Kiệt cho rằng trong trường hợp của những DN nhỏ và vừa nên chọn những thị trường ít có tính rủi ro hơn và có tính ổn định hơn (chẳng hạn như thị trường EU, Nhật Bản, thậm chí thị trường ASEAN). Điều này cũng tùy vào khả năng của từng DN cụ thể với những hoàn cảnh cụ thể, bởi vì không phải DN nào cũng có thể đa dạng được thị trường XK.
Việc chủ động kết nối giao thương với những nhà thu mua quốc tế sẽ giúp các DN Việt mở rộng được thị trường XK.
Trong năm 2025 sắp đến, XK da giày đặt mục tiêu đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024 (đã đạt kim ngạch 24 tỷ USD). Thời gian qua, ngoài những thị trường chính yếu như Mỹ, EU, Trung Quốc thì ngành hàng chủ lực này đã cố gắng mở rộng sang thị trường Nam Mỹ và Trung Đông. Điều này rất cần các DN phát huy đa dạng thị trường trong thời gian tới nhằm lường trước rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường lớn.
Chẳng hạn như với thị trường Mỹ, theo ông Kiệt, mục tiêu của chính quyền mới ở Mỹ trong thời gian tới mà họ gọi là “thương mại công bằng”, có nghĩa là làm sao giảm được thâm hụt thương mại càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có thâm hụt thương mại rất lớn với Mỹ.
Bên cạnh ngành da giày thì việc tiếp tục mở rộng thị trường cũng là điều cần làm với ngành dệt may. Như khuyến nghị của Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, các DN dệt may cần tận dụng chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất cũng như nắm bắt xu hướng xanh hóa và số hóa để đa dạng hóa thị trường, đối tác, sản phẩm.
Trong báo cáo cập nhật vào tháng 12/2024, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ABS có dẫn thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng XK dệt may trong năm 2025 sẽ đạt 47- 48 tỷ USD nhờ một số yếu tố hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),... giúp Việt Nam mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hóa thị trường. Bên cạnh đó là việc tận dụng tốt sự chuyển dịch đơn hàng XK từ các quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh... sang Việt Nam
Hoặc như với XK thủy sản, nói về định hướng cho năm 2025, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhấn mạnh để tiếp tục mở rộng thị trường, ngoài các thị trường chủ lực như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU...thì ngành hàng này cần tập trung phát triển XK các sản phẩm thủy sản đi các thị trường Halal (các quốc gia theo đạo Hồi), Trung Đông…
Cần lưu ý, một yếu tố quan trọng khi XK thủy sản sang thị trường Halal là sản phẩm thủy sản phải được chứng nhận Halal để đảm bảo tính hợp pháp theo tôn giáo. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp XN Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình chế biến, giết mổ và bảo quản thủy sản.
Riêng với thị trường Trung Đông, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), XK thủy sản Việt Nam sang khu vực này đạt hơn 360 triệu USD trong năm 2024, nằm trong top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản có tăng trưởng mạnh nhất, sau Trung Quốc.
“Trung Đông là một thị trường XK thủy sản đầy tiềm năng, với mức tăng trưởng mạnh mẽ và nhu cầu tiêu thụ thủy sản cao. Tuy nhiên, các nhà XK cần chú trọng đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn Halal và chuẩn bị kỹ lưỡng trước những yếu tố ảnh hưởng như tình hình chính trị và xung đột khu vực. Với sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Đông, ngành thủy sản Việt có thể hy vọng vào sự phát triển bền vững tại thị trường này trong tương lai”, phía Vasep nhận định.
Giảm thiểu rủi ro từ thị trường lớn
Đối với các ngành hàng XK chủ lực vốn là thế mạnh của DN nội địa, từ dệt may, da giày, đồ gỗ, cho đến nông lâm thủy sản, giới chuyên gia chỉ rõ để tiếp tục đa dạng thị trường trong năm 2025 thì cần khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các FTA thế hệ mới.
Nhất là cần tranh thủ sự trợ giúp của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hình thành đại diện của DN, hiệp hội ở các thị trường mới và xác định kênh phân phối nào tốt nhất để kết nối (như siêu thị, nhà nhập khẩu, nhà phân phối, hoặc đại lý tại nước ngoài...).
Mặt khác, khi nhắm đến thị trường mới đòi hỏi bản thân DN tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương quốc tế. Hơn nữa, việc phát triển các kênh phân phối trực tuyến, áp dụng phương thức XK đa kênh cũng là cách để DN mở rộng thị trường. Song song đó, DN nên nắm bắt thông tin liên quan đến thị trường mới, các nhà nhập khẩu tiềm năng, cùng các quy định, tiêu chuẩn để tuân thủ và thực thi hiệu quả.
Ngoài ra, nhìn từ việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lớn như Hoa Kỳ trong khi chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ áp thuế cao lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu của Hoa Kỳ, Ts. Haji Suleman Ali (Đại học RMIT) lưu ý về phía DN Việt Nam, việc gia tăng phụ thuộc vào hoạt động XK vào thị trường Hoa Kỳ có thể khiến họ phải chịu rủi ro liên quan đến những thay đổi chính sách đột ngột hoặc thay đổi thuế quan tiếp theo. Hơn nữa, việc tăng giá tiền tệ do nhu cầu XK cao hơn có thể khiến hàng hóa Việt Nam kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu, gây sức ép lên lợi nhuận DN.
Vị chuyên gia này chỉ rõ các nhà XK Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với việc các đối tác thương mại khác áp thuế quan trả đũa nếu như căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng. Điều này có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường và lợi nhuận trong dài hạn của họ.
Để ứng phó trước những rủi ro trên, Ts. Haji Suleman Ali khuyến nghị việc đàm phán và ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại với các nước khác có thể giúp Việt Nam mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và giảm sự phụ thuộc vào nhu cầu của Hoa Kỳ, cũng như bình ổn hóa các cơ hội XK.
“Chính phủ cần triển khai nhanh chóng các chương trình đa dạng hóa XK, hỗ trợ các DN Việt Nam khám phá các thị trường mới bên ngoài Hoa Kỳ để giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và giảm thiểu rủi ro về chính sách”, vị chuyên gia của RMIT nói.
Thế Vinh