Đứng ở góc độ là một chuyên gia ứng dụng blockchain (công nghệ chuỗi khối), Ts. Hà Xuân Sơn cho biết các tổ chức tài chính lớn đang ngày càng quan tâm đến tài sản số. Các ngân hàng đầu tư cũng đã triển khai dịch vụ lưu ký tài sản số cho khách hàng tổ chức. Ngoài ra, tại các nước đang phát triển, tài sản số đang trở thành công cụ hữu ích cho việc chuyển tiền xuyên biên giới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa tại các quốc gia có nhiều lao động xuất khẩu như Việt Nam.
Giai đoạn chuyển mình quan trọng
Theo Ts. Sơn, với sự phát triển năng động, tài sản số đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, từ các tổ chức lớn đến cá nhân nhỏ lẻ. Song song đó, môi trường pháp lý cho tài sản số vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Như ở Việt Nam, tháng 3/2025, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về việc triển khai thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa, trong đó đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước).
Có nhiều vấn đề được đặt ra về mặt chính sách đối với thị trường tài sản số đang trong giai đoạn chuyển mình quan trọng để vừa tránh được rủi ro và vừa tạo ra bức tranh đa chiều về cơ hội.
Như chia sẻ của vị chuyên gia này, thị trường tài sản số đang trải qua giai đoạn chuyển mình quan trọng. Sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn và khung pháp lý rõ ràng hơn sẽ giúp thị trường trưởng thành.
Bên cạnh đó, hiện nay dư luận cũng đang quan tâm đến Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho tài sản số. Hồi tháng 2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách, quy định và cơ chế đối với sandbox, chậm nhất là trong quý 2/2025.
Trong hạ tuần tháng 3/2025, khi góp ý vào Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, đối với sandbox, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý có thể được coi là một dạng ưu đãi với ngành công nghệ số nhằm tạo điều kiện thử nghiệm mô hình kinh doanh mới trong môi trường pháp lý linh hoạt.
Tuy nhiên, VCCI cũng chỉ rõ một số quy định chưa thật hợp lý từ Dự thảo này với sandbox. Đơn cử như với cơ quan tiếp nhận thử nghiệm, ở Điều 36.4 Dự thảo đang phân chia thẩm quyền của các cơ quan theo phạm vi địa bàn quản lý, cụ thể: Thứ nhất là UBND tỉnh cấp phép trong phạm vi địa bàn quản lý. Thứ hai là Bộ quản lý chuyên ngành cấp phép trong phạm vi lĩnh vực quản lý hoặc vượt qua địa bàn một tỉnh.
Theo VCCI, cách phân chia này có thể không phù hợp với bản chất của sandbox. Với 2 cấp như vậy, doanh nghiệp (DN) có thể gặp khó khăn trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ của mình. Trong nhiều trường hợp, các ranh giới phân chia này có thể không rõ ràng hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và DN. Do đó, nên sửa đổi quy định theo hướng thiết lập một cơ chế mở linh hoạt hơn, cụ thể là Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò như cơ quan đầu mối một cửa.
Mặt khác, phía VCCI cũng nhấn mạnh cơ chế sandbox cần đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa các DN. Hiện, Dự thảo chỉ thiết kế cơ chế cấp phép theo từng dự án riêng lẻ mà không có cơ chế điều phối chung. Khi đó, quy định này có thể hoặc là có quá nhiều sandbox cho cùng một mô hình kinh doanh, mà thậm chí giống nhau, không bổ trợ nhau; hoặc việc cấp phép bị ngưng trệ vì các cơ quan tiếp nhận hồ sơ lại chờ nhau. Ở phía DN, các DN cũng có thể lo lắng khi đối thủ lại được cấp phép thử nghiệm trước mình, tạo lợi thế để chiếm lĩnh thị trường.
Ngoài vấn đề nêu trên, trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với tài sản số (trong đó có tiền mã hóa) thì việc xây dựng chính sách thuế sẽ như thế nào cũng là điều mà các nhà đầu tư, DN đang quan tâm.
Như nhận định của Ts. Chu Thanh Tuấn, chuyên gia kinh tế, nếu áp dụng một cơ chế thuế hợp lý, Việt Nam có thể tạo nguồn thu ngân sách đáng kể từ thị trường này. Theo ước tính của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc áp thuế 0,1% trên mỗi giao dịch tiền mã hóa có thể mang lại hơn 800 triệu USD mỗi năm mà không gây gián đoạn tới hoạt động của thị trường.
Chờ khung pháp lý rõ ràng và toàn diện
Bên cạnh thuế giao dịch, Ts. Chu Thanh Tuấn cho rằng Chính phủ còn có thể cân nhắc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ đầu tư tiền mã hóa, hoặc thuế thu nhập DN đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Nếu tiền mã hóa được phân loại là tài sản đầu tư thì lợi nhuận từ giao dịch có thể bị đánh thuế tương tự như với chứng khoán hoặc bất động sản. Các DN hoạt động trong ngành tiền mã hóa cũng có thể chịu thuế với mức 20% như các DN truyền thống.
Vị chuyên gia này cũng cảnh báo về nguy cơ dòng vốn chảy ra nước ngoài nếu chính sách thuế không được thiết kế tốt. Lấy Ấn Độ làm ví dụ, khi chính phủ nước này áp thuế 30% đối với lợi nhuận từ tiền mã hóa và 1% thuế trên mỗi giao dịch, khối lượng giao dịch trong nước đã giảm tới 70%, vì nhà đầu tư chuyển sang các sàn giao dịch nước ngoài. Nếu Việt Nam triển khai mức thuế quá cao hoặc hệ thống thuế quá phức tạp, nhà đầu tư có thể chuyển hoạt động sang các thị trường thân thiện hơn như Singapore hay Dubai, khiến thất thoát nguồn thu thuế tiềm năng.
“Để thu hút đầu tư mà vẫn đảm bảo nguồn thu thuế ổn định, Việt Nam cần một mô hình thuế cân bằng. Thuế giao dịch thấp kết hợp với thuế lãi về vốn trong khung thuế thu nhập cá nhân có thể giúp duy trì tính công bằng mà không làm suy yếu thị trường”, ông Tuấn nói.
Cũng nên nhắc đến nghiên cứu của Chainalysis, Việt Nam liên tục là một trong những quốc gia giao dịch tiền mã hóa hàng đầu thế giới trong những năm gần đây. Khi tài sản mã hóa được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, việc chính phủ quản lý hoặc ít nhất là cung cấp hướng dẫn và giám sát theo quy định trong lĩnh vực mới nổi này là rất quan trọng.
Đó là chưa kể một số thông tin dữ liệu còn cho thấy Việt Nam ước tính có tới hơn 20 triệu người đã và đang sở hữu các dạng tài sản số, tiền kỹ thuật số. Hồi năm 2024, đối với tài sản số, Việt Nam nhận về hơn 105 tỷ USD, còn hồi năm 2023 là 120 tỷ USD. Điều đó thể hiện thị trường tài sản số ở Việt Nam không khác gì “mỏ vàng” cần được khai thác, quản lý đúng hướng.
Phó giáo sư Nguyễn Thanh Bình, đồng sáng lập Trung tâm Fintech-Crypto thuộc một trường đại học ở Tp.HCM, cho rằng nếu được quản lý đúng cách, việc thí điểm và triển khai chính thức giao dịch tiền mã hóa có thể mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế và hệ thống tài chính của Việt Nam.
“Tiền mã hóa có thể giảm đáng kể chi phí giao dịch và cải thiện hiệu quả thanh toán xuyên biên giới, tạo ra cơ sở mới để chính phủ và DN Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ mục tiêu trở thành trung tâm tài chính toàn cầu, đồng thời phát triển tài chính toàn diện trong xã hội”, ông Bình bộc bạch.
Xét chung, sẽ có nhiều việc phải làm về mặt chính sách để tránh những rủi ro và tạo ra bức tranh đa chiều về cơ hội cho thị trường tài sản số ở Việt Nam. Điều mong đợi là cần thiết lập một cơ chế mở linh hoạt, khung pháp lý rõ ràng và toàn diện để cơ hội không phải vuột mất.
Thế Vinh