Làm giàu trên đỉnh Ngọc Linh

Làm giàu trên đỉnh Ngọc Linh
6 giờ trướcBài gốc
Đổi đời thành tỷ phú
Sâm Ngọc Linh được thiên nhiên ưu đãi cho vùng núi Ngọc Linh ở Kon Tum và Quảng Nam.
Tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), nơi trước đây chỉ được nhắc nhớ là một trong những huyện nghèo nhất nước. Nhưng đến nay, nhắc đến nơi này, người ta chỉ nghĩ đến nơi có sâm Ngọc Linh - loài dược liệu trở thành “quốc bảo Việt Nam”.
Nông dân Nguyễn Văn Lượng – đồng bào Xơ-đăng (52 tuổi, trú xã Trà Linh, Nam Trà My) được xem như một tỷ phú từ việc trồng, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh. Sau hàng chục năm ăn ngủ trong rừng để trồng sâm, đến nay ông có vườn sâm khoảng hơn 30ha. Mỗi năm, bình quân ông thu về hàng chục tỷ đồng.
Anh Lượng chia sẻ: “Nhờ trồng cây sâm Ngọc Linh nên hiện giờ thu nhập trong gia đình tôi đã ổn định và tăng theo từng năm. Cái đói, cái nghèo không còn nữa. Cây sâm chính là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào nơi đây đấy!”
Ông Nguyễn Văn Lượng được xem là một tỷ phú từ việc trồng, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hiện nay huyện đã quy hoạch vùng trồng sâm với diện tích trên 15.000 ha; thực hiện bảo tồn được khoảng 100 ha, tương đương với khoảng 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.650 ha với hơn 1.500 hộ dân tham gia trồng; thu hút 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm dưới tán rừng, với diện tích hơn 341,75 ha.
Hiện giá cả cây sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên; các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm.
“Việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện đã từng bước cải thiện đời sống người dân. Nhờ cây sâm Ngọc Linh, người dân Nam Trà My không chỉ xóa đói, thoát nghèo mà còn bắt đầu làm giàu. Thậm chí ở Trà Linh còn xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú", Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin.
Sâm Ngọc Linh từng bước thay đổi cuộc sống người dân vùng sâu.
Đưa Sâm Ngọc Linh thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia
Để sớm đưa cây Sâm Ngọc Linh thành cây trồng mũi nhọn, dẫn dắt nhiều ngành kinh tế khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh và vươn tầm thế giới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU ngày 18/11/2024 về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.
Mục tiêu đến năm 2030 Quảng Nam sẽ phát triển vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My và các vùng di thực khác trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 8.400ha để cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu và phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Tổng sản lượng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350 ha/năm). Xây dựng các khu bảo tồn nguyên vị (in-situ) và vườn sưu tập (ex-situ) nguồn gen cây sâm Ngọc Linh tại các vùng sinh thái điển hình này.
Đến năm 2035, địa phương này đặt mục tiêu phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh đạt 10.000ha, tạo vùng nguyên liệu ổn định phục vụ công tác chế biến và cung cấp nguồn nguyên liệu cho Trung tâm công nghiệp dược liệu.
Quảng Nam trở thành Trung tâm sản xuất, cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh; ổn định vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh, tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn GACP-WHO, khoảng 35 - 40% diện tích sản xuất được chứng nhận GACP-WHO. Phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển Sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu quốc gia...
Đánh giá cao vai trò của sâm Ngọc Linh trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào địa phương, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh gốc, không du nhập các loại giống sâm khác vào trồng trên địa bàn.
“Tranh thủ sự hỗ trợ, của các bộ, ngành ở Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sâm Ngọc Linh phát triển nhanh về số lượng, đảm bảo về chất lượng, vươn ra tầm thế giới để xứng tầm sản phẩm quốc gia”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Theo Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, sản lượng khai thác Sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.
Định hướng đến năm 2045 phát triển Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất Sâm lớn trên thế giới.
Hạ Vĩ
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/lam-giau-tren-dinh-ngoc-linh-132853.htm