Bánh chưng được cắt thành lát trước khi rán. (Nguồn: Vietnam+)
Những chiếc bánh vuông vắn bọc lá dong được luộc kỹ trên bếp lửa là một biểu tượng không thể thiếu được trong ngày Tết Việt.
Tuy nhiên, do được làm hoàn toàn từ gạo nếp, lại có kích thước lớn, nên bánh chưng cũng trở thành thứ “ế” nhiều nhất sau các mâm cỗ linh đình ngày Tết.
Và khi các bữa cỗ qua đi, bữa cơm thường nhật trở lại, việc chế biến bánh chưng sau Tết cũng trở thành một truyền thống khá thú vị trong các gia đình, tô điểm thêm cho mâm cơm hàng ngày với những biến tấu ngon lành và độc đáo của bánh chưng.
Bánh chưng rán
Đây là cách chế biến “cổ điển” nhất với bánh chưng. Bánh chưng để lâu ngày không còn mềm và ngon như khi mới luộc mà cứng chắc hơn, nhưng lại ngon hơn hẳn khi được rán lên.
Với lớp vỏ ngoài vàng giòn hấp dẫn, phần bên trong được hơi nóng làm cho mềm ngon trở lại, chiếc bánh lại trở nên hấp dẫn hơn hết, đặc biệt khi người ta không còn cảm thấy “ngán” với những món ăn thịnh soạn ngày Tết.
Ngay cả cách rán bánh chưng cũng mang đến nhiều tranh luận thú vị.
Có người thích để nguyên cả góc 1/8 để rán, phù hợp với những ai sợ ngấy mỡ, chỉ muốn rán để tạo một lớp vỏ mỏng giòn bên ngoài, trước khi thưởng thức phần bánh mềm bên trong.
Người khác lại thích vừa rán vừa dầm bánh chưng cho đến khi nát và dàn thành một lớp bánh mỏng, nhân và vỏ hòa quyện vào nhau thật nhuyễn, khiến chiếc bánh vừa giòn vừa đậm đà, lại béo ngậy rất hấp dẫn.
Một phiên bản khác nữa của bánh chưng rán được nhiều người ưa thích là cắt bánh thành từng lát mỏng và rán vàng đều hai mặt.
Người nào khéo tay có thể dùng lạt tước nhỏ chia bánh thành những lát mỏng đều tăm tắp chỉ dày khoảng 1cm, vừa đẹp vừa không cần phải rửa lớp gạo nếp dính chặt vào lưỡi dao. Bánh kiểu này ăn vừa phải, không ngấm quá nhiều mỡ, phần giòn và phần mềm cân bằng hơn, và cũng dễ ăn hơn.
Bánh chưng rán nước lọc
Trào lưu này xuất hiện từ vài năm trở lại đây và vẫn còn khá thông dụng dù không còn “hot” như lúc đầu.
Cách làm khá đơn giản. Đầu tiên, bạn cắt nhỏ bánh chưng. Sau đó, đun sôi nước trong chảo, cho bánh chưng vào và dùng muôi hoặc thìa để dầm nát bánh, rồi đun nhỏ lửa cho đến khi nước hoàn toàn cạn hết và hai mặt bánh trở nên vàng đều thì đổ ra đĩa và thưởng thức.
Cách làm này có ưu điểm là không dùng dầu mỡ, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người sau khi trải nghiệm lại chia sẻ rằng cách làm này khiến bánh chưng nhão, nát và nhạt nhẽo, không còn ngon như lúc đầu nữa, và tất nhiên là “thua xa” chiếc bánh được rán trong dầu.
Bánh chưng rán là cách chế biến hợp lý nhất đối với bánh chưng. (Nguồn: Vietnam+)
Bánh chưng nướng
Chiếc nồi chiên không dầu được coi là sản phẩm đột phá nhất trong các căn bếp của các gia đình những năm gần đây. Và việc nướng bánh chưng trong nồi chiên không dầu cũng là một sáng kiến mới thú vị cho bữa ăn hàng ngày.
Bánh chưng được cắt miếng nhỏ, cho lên khay hoặc tấm lót chống dính, hoặc có thể đặt thẳng vào trong lòng nồi, bật chế độ lửa lớn cho đến khi mùi thơm bay lên và bánh sém vàng thì lật mặt và nướng tiếp.
Đây là cách làm ưu việt hơn cả 2 cách chế biến bánh chưng nói trên, khi bánh vừa có độ giòn, ngon, đậm đà hơn bánh rán bằng nước, lại khô và không ngấm dầu như cách rán truyền thống. Đặc biệt, phần thịt mỡ trong nhân bánh chưng khi sém lại sẽ mang đến một hương vị đặc biệt.
Cháo bánh chưng
Tương tự như cách rán bằng nước lọc, bánh chưng được cắt nhỏ, dầm nát trong nước đang đun sôi liu riu. Nhưng sau đó, chúng ta đổ thêm nhiều nước và tiếp tục đun nhỏ lửa cho đến khi các nguyên liệu đã nhuyễn và nhừ.
Gạo nếp, đỗ xanh và phần thịt ở nhân là sự kết hợp hoàn hảo để tạo nên một bát cháo thơm lừng hấp dẫn. Bạn cũng có thể tận dụng các thức ăn còn thừa như thịt gà xé, thịt băm, các loại rau, hành để bát cháo trở nên đa dạng và ngon miệng hơn nữa.
Bánh chưng được chế biến thành kimbap ngon và lạ miệng. (Nguồn: Vietnam+)
Những biến tấu độc lạ
Bên cạnh cách làm truyền thống trên, còn có những cách “làm mới” bánh chưng hết sức độc đáo, mặc dù ngon hay không là tùy khẩu vị mỗi người, nhưng vẫn đem lại những cảm giác mới lạ cho bữa ăn gia đình.
Pizza bánh chưng: Bánh chưng được cắt thành từng lát mỏng như đế pizza, hoặc được dầm nát trên chảo và làm phẳng thành một đế bánh tròn, sau đó phủ lên một lớp sốt tương cà chua, các loại topping có sẵn từ bữa cơm gia đình như giò chả, thịt, nem chua, rồi rắc thêm một lớp phomai trước khi cho vào nướng trong nồi chiên không dầu, hoặc đặt lên chảo đậy vung kín đun liu riu cho đến khi phomai tan chảy.
Bánh chưng ăn kiểu này khá lạ miệng nhưng nhanh ngấy, hợp với những thực khách trẻ tuổi và ưa những thứ mới lại.
Kimbap bánh chưng: Bánh chưng được rán trong nước cho đến khi mềm dẻo (không rán đến khi sém vàng). Sau đó trải một miếng rong biển lên khay, dàn bánh chưng lên, rồi thêm vào giữa bất cứ thứ gì còn lại từ mâm cỗ, từ giò, trứng cho đến thịt, rau, cuộn chặt lại rồi cắt thành từng lát.
Cách làm này tận dụng được hầu hết những thức ăn còn thừa trên bàn ăn, lại thuận tiện, nhỏ gọn, có thể đóng gói mang đi thành một bữa trưa xinh xắn nơi công sở, lớp học.
Xôi chiên: phần vỏ bánh được tách riêng, dàn mỏng, sau đó cho nhân, có thể là nhân bánh chưng, hoặc các loại thức ăn còn thừa, rồi bọc lại thành viên tròn và rán trong chảo dầu cho đến khi bánh phồng lên và vàng đều.
Cách làm này thoạt tiên ăn khá ngon miệng, nhưng chỉ sau vài miếng là bạn sẽ cảm thấy ngấy vì lượng dầu mỡ quá nhiều./.
(Vietnam+)