Chiều 8.11, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh tham gia thảo luận Tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Hóa chất, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực hóa chất; khắc phục một số vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Quang cảnh thảo luận Tổ 2
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) nhận thấy, dự thảo luật đã bổ sung nhiều nội dung nhằm phát triển ngành công nghiệp hóa chất và nhấn mạnh công nghiệp hóa chất là một trong những ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngành công nghiệp hóa chất duy trì được mức tăng trưởng ổn định qua các năm, trung bình 10 - 11%/năm, đóng góp khoảng 4% vào tổng giá trị toàn ngành công nghiệp.
Do đó, việc sửa luật lần này là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời cũng như quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm và nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất.
Góp ý vào các quy định của Chương II, dự thảo luật về phát triển công nghiệp hóa chất, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị, cơ quan soạn thảo cần làm rõ những điểm mới về chính sách ưu tiên, ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hóa chất của dự thảo Luật so với Luật hiện hành.
Mặt khác, theo đại biểu, nội dung này chưa nêu bật được các mục tiêu trong phát triển công nghiệp hóa chất. Hiện nay các quốc gia trên thế giới, nhất là những quốc gia phát triển, đặt ra các mục tiêu về giảm phát thải khí carbon và phát triển xanh, phát triển bền vững. Trong bối cảnh tình hình như vậy, nước ta cũng cần có định hướng như thế nào đối với việc phát triển công nghiệp hóa chất? Bởi lẽ, đây cũng là một trong những ngành gây ô nhiễm cho môi trường, cần được đặc biệt lưu tâm.
Nêu thực trạng việc mua bán hóa chất, nhất là hóa chất công nghiệp, hóa chất nguy hiểm còn quá dễ dàng, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng nhấn mạnh, người dân rất quan tâm đến việc quản lý hóa chất như thế nào?
Dẫn ví dụ cụ thể từ vụ việc 2,5 tấn xyanua được mua bán trái phép ở TP. Hồ Chí Minh khiến dư luận đặt câu hỏi là lượng chất độc xyanua đó được tuồn ra ngoài thị trường như thế nào, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng nêu vấn đề, nước ta có phải là quốc gia duy nhất mua hóa chất dễ như vậy hay không? Dự thảo luật cần bổ sung các biện pháp, chế tài nhằm quản lý chặt vấn đề này.
Về quản lý hóa chất nguy hiểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thấy rằng, dự thảo luật đã phân loại ra các hóa chất cấm, hóa chất cần có sự kiểm soát đặc biệt, hóa chất nguy hiểm nhưng lại không đi kèm các danh mục mà nội dung này sẽ do Chính phủ quy định chi tiết.
Đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần có điều khoản quy định rõ bao lâu thì cập nhật các danh mục này, tránh tình trạng ban hành danh mục áp dụng cho nhiều năm trong khi công nghiệp hóa chất phát triển rất nhanh và những sản phẩm hóa mới có thể có chất độc hại sẽ xuất hiện nhiều nhưng không được cập nhật, bổ sung kịp thời trong danh mục những hóa chất bị cấm hoặc cần có sự kiểm soát đặc biệt.
Thanh Chi