Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 8/11, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ về một số nội dung: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại phiên họp tổ chiều 8/11.
Cho ý kiến vào Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, nhất trí với việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Qua đó, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về phòng, chống ma túy, kiểm soát ma túy. Đồng thời, giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, tăng cường thêm những nguồn lực để đáp ứng yêu cầu đặt ra với công tác này trong giai đoạn mới.
Góp ý cụ thể, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) quan tâm đến một số chỉ tiêu trong chương trình đưa ra quá cao. Ví dụ, như chỉ tiêu 100% tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ đối tượng bán lẻ ma túy được phát hiện và triệt phá trên toàn quốc. Hoặc chỉ tiêu sẽ kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy hàng năm dưới 1%, hoặc trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy sau cai được hỗ trợ can thiệp y tế tâm lý (trong bối cảnh nguồn lực cho chương trình còn hạn chế).
“Trong quá trình báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến cho là có thể có cách để xây dựng chỉ tiêu phù hợp hơn, ví dụ như là từ 90% trở lên chẳng hạn. Tôi cho rằng, cần phải rà soát lại để đưa ra chỉ tiêu cho phù hợp, khả thi”, đại biểu Đỗ Thị lan cho hay.
Đại biểu đề nghị lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trong hoạt động về đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương để tạo nguồn lực cũng như sự đồng bộ, thống nhất trong phòng, chống ma túy. Với các nội dung về vốn đầu tư cho chương trình cần phân kỳ đầu tư; việc bố trí vốn cần giao cho các tổ chức chính trị - xã hội để phát huy hiệu quả. Ngoài ra cần bổ sung thêm các giải pháp để hoàn thiện chương trình như: Hoàn thiện thể chế; phác đồ điều trị, cai nghiện ma túy trong gia đình, cộng đồng…
Cùng quan điểm, đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) dẫn số liệu, cả nước hiện có 226.000 người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý. Khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi 15-25, trong đó có nhiều đối tượng ở độ tuổi 13-15.
Việc quyết định xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình. Khi ban hành nghị quyết chương trình, ai cũng mong muốn các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy sớm được phát hiện, triệt phá hoàn toàn.
Tuy nhiên, thực tế, các đối tượng bán lẻ ma túy rất đa dạng, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau nên khó phát hiện. Vì vậy, chỉ tiêu “các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%” ghi trong dự thảo Nghị quyết là cao, cần xem xét lại.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) tại phiên họp tổ chiều 8/11.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) cũng nhất trí cho rằng, cần cân nhắc về chỉ tiêu phấn đấu 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy được phát hiện, triệt phá.
Ngoài ra, theo đại biểu, hành vi bán ma túy ngày càng tinh vi, có gói kẹo rất đơn giản, giá rẻ bán cho học sinh, sinh chứa chất ma túy. Học sinh, sinh viên chính là đối tượng dễ bị lợi dụng, lôi kéo nhất nên việc tuyên truyền phòng, chống ma túy cần thực hiện thường xuyên, liên tục trong các trường học. Chính cán bộ, nhà giáo là người gần gũi nhất với học sinh, sinh viên nên việc các thầy cô được trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng, chống ma túy là cần thiết.
Mai Loan