Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về: chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định tham gia thảo luận tại Tổ số 19 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Thọ và Bình Dương.
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, TUV, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.
Thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đồng tình với việc cần thiết ban hành chương trình.
Đóng góp ý kiến cụ thể vào chương trình, Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng việc coi người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy là người bệnh để hỗ trợ cai nghiện, hòa nhập cộng đồng là tốt đẹp và nhân văn. Với ý nghĩa đó, trong Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2030 cần có thêm nội dung trên để các ĐBQH và Nhân dân hiểu, không kỳ thị với người nghiện, người sử dụng ma túy và gia đình của họ. Bên cạnh đó, trong chương trình cần quy định biện pháp hỗ trợ cụ thể đối với người sử dụng ma túy.
Đồng chí Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu thảo luận.
Về mục tiêu chương trình, Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng các chỉ tiêu: 80% số người nghiện được tư vấn; 90% người sau cai nghiện được hỗ trợ phòng, chống cai nghiện hòa nhập cộng đồng; 90% người nghiện sau cai nghiện được tiếp cận chính sách pháp luật thông tin còn thấp. Bởi vì 3 chỉ tiêu trên đều thuộc vào tính chủ động của cơ quan quản lý Nhà nước, cho nên cần phải cao hơn. Hơn nữa, sau cai nghiện nếu được tư vấn, tiếp cận thông tin thì người nghiện có thể phòng, chống tái nghiện tốt hơn. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đồng tình với việc số tội phạm ma túy bắt được tăng lên trên 5%/năm so với tỷ lệ hơn 2% như hiện nay…
Tin: Văn Trọng
Ảnh: PV