ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh):Làm rõ khó khăn lớn nhất trong công tác cai nghiện là gì
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2023, có 50% các cơ sở cai nghiện của chúng ta quá tải từ 2 đến 4 lần. Điều đó chứng minh rằng, số lượng người nghiện rất nhiều và quy mô của các cơ sở cai nghiện hiện không đáp ứng nhu cầu.
Chính vì thế, trong mục tiêu của Chương trình, chúng ta cũng có đầu tư cho các cơ sở cai nghiện. Thế nhưng, cần làm rõ khó khăn lớn nhất trong công tác cai nghiện là gì và tỷ lệ cai nghiện thành công là bao nhiêu, tình trạng tái nghiện như thế nào, khả năng tái hòa nhập cộng đồng của người sau khi cai nghiện ra sao? Đây là những điểm cực kỳ quan trọng đối với mỗi cơ sở cai nghiện và sẽ là căn cứ để chứng minh hiệu quả đầu tư cho Chương trình.
Trong dự thảo Nghị quyết có nêu nội dung đầu tư cho lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy, gồm: cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, hải quan… Thế nhưng, cần làm rõ tại sao chỉ nêu lực lượng cảnh sát biển, lực lượng biên phòng được trang bị 80% vũ khí và công cụ hỗ trợ hiện đại, vậy còn lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy, lực lượng hải quan thì lý do vì sao lại không được trang bị như các lực lượng nêu trên?
Trong Tờ trình Chính phủ chưa làm rõ căn cứ của vấn đề nêu trên, đề nghị bổ sung làm rõ. Thực tiễn hiện nay cho thấy, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy nói chung và lực lượng công an xã, phường chính là lực lượng đang trực tiếp tiếp xúc với đối tượng phạm tội về ma túy và người nghiện ma túy. Số lượng cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ hy sinh hoặc bị thương khi đang làm nhiệm vụ trong thời gian qua cũng khá lớn. Một trong những nguyên nhân là bởi lực lượng này không được trang bị vũ khí, phương tiện hỗ trợ, mặc dù quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí cho phép lực lượng chức năng sử dụng để áp chế, khống chế các đối tượng. Chúng tôi cho rằng, cần đầu tư trang bị phương tiện, vũ khí cho lực lượng này.
ĐBQH Lý Anh Thư (Kiên Giang):Có lộ trình cụ thể thực hiện các chỉ tiêu đặt ra
Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 với những lý do được đưa ra tại Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội.
Theo nhiều báo cáo của Chính phủ, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 đã những kết quả rất tốt về công tác tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy, quản người nghiện…
Tuy nhiên, tình hình ma túy trên thế giới và các nước láng giềng ngày càng gia tăng, ảnh hướng ít nhiều đến vấn đề phòng, chống ma túy trong nước, trong khi đó tội phạm về ma túy, tệ nạn ma túy, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong nước ngày càng tăng. Đáng lo ngại là độ tuổi người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, khoảng 60% số người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi 15-25, trong đó có nhiều em ở độ tuổi 13-15 tuổi. Do đó, việc quyết định xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ tình hình thực tế.
Về một số chỉ tiêu cụ thể, theo tôi, chỉ tiêu về “các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%” là quá cao, cần được cân nhắc kỹ càng. Ai cũng mong muốn các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy sớm được phát hiện và triệt phá hoàn toàn. Nhưng, trên thực tế, các đối tượng bán lẻ ma túy rất đa dạng, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, nên rất khó có thể phát hiện 100%.
Hiện nay, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập, số lượng người cai nghiện quá tải, chưa đạt diện tích về chỗ ở, chưa có khu cai nghiện riêng cho người đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, chưa có cơ sở nào thực hiện hỗ trợ học văn hóa cho người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Do đó, để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu “Phấn đấu 100% cơ sở cai nghiện ma túy công lập bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy”, đề nghị phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng cho việc thực hiện chỉ tiêu này; đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng hỗ trợ nâng cấp bảo đảm về cơ sở vật chất, nơi ở cho người cai nghiện và viên chức, nhân viên của các trung tâm cai nghiện.
Bên cạnh đó, cần thực hiện việc xây dựng khu cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; xây dựng khu cai nghiện người mắc bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 35 Luật Phòng, chống ma túy. Tổ chức học văn hóa cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc nhằm bảo đảm cho sau cai nghiện các em được hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất.
ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi):Đến 2030 phải đạt kết quả cụ thể, nổi trội hơn so với giai đoạn 2021-2025
Tôi đề nghị cần rà soát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 để không có sự trùng lặp với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đang trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Nếu có sự trùng lặp thì nên nghiên cứu tích hợp vào một Chương trình để bảo đảm thực hiện, quản lý thống nhất. Cụ thể, trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng như phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tiểu dự án hoặc dự án bảo đảm an ninh trật tự với mục tiêu bao trùm về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, thì nên nghiên cứu tích hợp vào Chương trình trong giai đoạn 2026 - 2030 để bảo đảm thực hiện thống nhất, hiệu quả.
Mục tiêu quan trọng nhất của Chương trình là tập trung "giảm cung". Đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng người sử dụng ma túy, từ đó gây ra các hệ lụy cho xã hội. Cụ thể, mục tiêu đề ra là đấu tranh ngăn chặn tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi sản xuất, trên các tuyến trọng điểm và địa bàn biên giới, trên biển và hàng không. Đấu tranh hiệu quả tội phạm về ma túy có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao và lợi dụng không gian mạng; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy. Tuy nhiên, với các chỉ tiêu đề ra hàng năm đối với nhiệm vụ "giảm cung", như: số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%..., thì đến năm 2030, liệu có bảo đảm đạt được mục tiêu đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy… hay không? Đề nghị cần đánh giá, làm rõ hơn về các chỉ tiêu này.
Ngoài ra, mục tiêu của Chương trình cũng còn chung chung, do đó cần xem xét, nghiên cứu định lượng rõ hơn nữa và thể hiện được đến năm 2030 phải đạt kết quả cụ thể, nổi trội hơn so với việc thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, qua đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Thanh Hải - Thanh Chi - Hoàng Ngọc ghi