Cần thiết ban hành Chương trình
Theo Tờ trình của Chính phủ, Chương trình gồm mục tiêu tổng quát, 3 nhóm mục tiêu cụ thể và 20 chỉ tiêu cụ thể, phạm vi thực hiện cả nước với 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án, phân công cho 8 bộ, ngành phối hợp thực hiện.
Thời gian thực hiện Chương trình từ 2025 đến hết 2030, trong đó năm 2025 thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình. Giai đoạn 2026 - 2030 triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 4 chiều 8.11. Ảnh: Lâm Hiển
Tổng vốn thực hiện Chương trình là 22.450 tỷ đồng, bao gồm hơn 17.725 vốn ngân sách Trung ương (chiếm 78,96%), 4.674 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (chiếm 20,82%); ngoài ra là vốn huy động hợp pháp khác dự kiến 50 tỷ đồng (chiếm 0,22%).
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu), các ĐBQH cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) nêu rõ, hiện nay, tình hình phòng, chống ma túy diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi, gia tăng sử dụng công nghệ cao, sẵn sàng trang bị các loại vũ khí quân dụng, manh động, sẵn sàng chống trả và gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.
Mặt khác, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn cao. Theo thống kê, toàn quốc hiện có khoảng có 223.700 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy (chiếm 0,23% dân số cả nước); chủ yếu là đối tượng trẻ, trong độ tuổi lao động; độ tuổi từ 30 trở lên chiếm 65,98%.
Từ những hệ lụy xã hội do tệ nạn ma túy gây ra cho thấy, ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, là một trong những nguyên nhân làm phát sinh, gia tăng các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Do đó, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị, cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2025 - 2030 để tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác này trong tình hình mới.
Cân nhắc điều chỉnh tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương khó khăn
Cơ bản đồng tình với nội dung của Chương trình, song đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, có một số chỉ tiêu đưa ra cao và chưa có giải pháp thực hiện. Ví dụ như chỉ tiêu: 100% số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ ma túy được phát hiện, triệt phá; kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện ma túy hàng năm dưới 1%; trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện được hỗ trợ can thiệp về y tế, tâm lý. Do vậy, Ban soạn thảo cần cân nhắc các chỉ tiêu này, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị.
Mặt khác, cũng theo đại biểu Âu Thị Mai, có một số chỉ tiêu đặt ra trong Chương trình lại khá thấp, như chỉ tiêu về truyền thông. Theo đó, trên 70% số công đoàn ngành, địa phương và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy. Hiện, các tổ chức công đoàn đều tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật và vi phạm về ma túy, do đó, đại biểu đề nghị nâng chỉ tiêu này lên 90 - 100%.
ĐBQH Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Chia sẻ với ý kiến trên, ĐBQH Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang) bổ sung, còn một số lĩnh vực trong công tác phòng, chống ma túy chưa được đề xuất chỉ tiêu nhưng rất cần có giải pháp thực hiện, như: quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, người sau cai nghiện ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy như kiểm soát tiền chất, chất ma túy sử dụng trong y tế; giảm tỷ lệ người tái nghiện ma túy sau cai, đào tạo nghề giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy… Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đưa ra chỉ tiêu phù hợp hơn.
Đáng chú ý, theo đại biểu Lò Thị Việt Hà, ma túy có ảnh hưởng lớn đối với xã hội, đến giống nòi, kinh tế, an ninh chính trị, an ninh quốc gia và là nguyên nhân phát sinh tội phạm. Thời gian thực hiện Chương trình là từ 2025 - 2030. Tuy nhiên, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình chỉ có hơn 22.000 tỷ đồng là "hơi thấp". Đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc có lộ trình bổ sung vốn trung hạn cho Chương trình kịp thời trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, theo các đại biểu, cần cân nhắc nguồn vốn đối ứng của địa phương trong triển khai Chương trình. Bởi lẽ, địa bàn phức tạp về ma túy có nhiều nơi rất khó khăn, giáp biên. Vì vậy, cơ cấu địa phương đối ứng 20% là quá cao so với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Ban soạn thảo cần tính toán xem xét cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Đan Thanh