Làm rõ nội hàm hoạt động chỉ đạo phòng không nhân dân

Làm rõ nội hàm hoạt động chỉ đạo phòng không nhân dân
4 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Bảo đảm hiệu quả trong tác chiến, phòng thủ
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ, về nhiệm vụ phòng không nhân dân (Điều 5), một số ý kiến đề nghị giải thích khái niệm “Tàu bay không người lái” cho đầy đủ hơn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện khái niệm, có tính bao quát đối với cả taxi bay, motor bay để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, qua nghiên cứu các khái niệm của một số nước và quy định tại Công ước về Hàng không dân dụng năm 1944 (sử dụng thống nhất cụm từ “Tàu bay không người lái” – Điều 8 Công ước), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khái niệm này bảo đảm phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với cả những thiết bị bay khác không người lái có thể có trong tương lai như taxi bay, motor bay.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Ảnh: Quang Khánh
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cụ thể độ cao “dưới 5.000m” vì khó xác định độ cao của máy bay, vật thể bay và khó khăn trong phòng thủ, đánh trả.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu phòng chống địch tấn công đường không sẽ có nhiều lực lượng cùng tham gia, không chỉ phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân mà còn có nhiều lực lượng khác, do đó việc phối hợp giữa các lực lượng là rất cần thiết, bảo đảm hiệu quả trong tác chiến, phòng thủ.
Dự thảo Luật quy định phòng không nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét là dựa trên cơ sở nhiệm vụ, vũ khí, trang bị được biên chế, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không nhân dân và quan hệ phối hợp với các lực lượng khác trong sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không.
Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khoản này theo hướng không quy định cụ thể các lực lượng mà quy định các nhiệm vụ cụ thể để xác định rõ vị trí, vai trò của lực lượng phòng không nhân dân trong quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét.
Cần bổ sung quy định tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và tình trạng chiến tranh
Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, giải trình theo hướng khái quát hơn, đáp ứng cơ bản yêu cầu về tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật, đó là chỉ quy định tại luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa nghị định, thông tư.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Về các nội dung cụ thể, ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đề nghị, rà soát, làm rõ hơn nội hàm của Điều 5 về Nhiệm vụ phòng không nhân dân, Điều 9 về Hoạt động chỉ đạo phòng không nhân dân, Điều 17 về Nội dung hoạt động phòng không nhân dân để bảo đảm không bị trùng lặp, chồng chéo, phân định rõ thẩm quyền trách nhiệm phù hợp với phương thức, cấu trúc và hệ thống tổ chức phòng không nhân dân trên phạm vi cả nước.
Đại biểu cũng đề nghị thể hiện rõ nội hàm phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân, do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và quân nhân dự bị làm nòng cốt cùng với phòng không quốc gia, phòng không lục quân và các lực lượng khác chuẩn bị, ngăn ngừa, phòng tránh, đánh địch, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không trong khu vực phòng thủ, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc; tuân thủ các nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân.
Đồng thời, cân nhắc việc quy định hoạt động chỉ đạo phòng không nhân dân là một nội dung của hoạt động phòng không nhân dân tại khoản 1 Điều 17. Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, không nên quy định như tại Điều 17 dự thảo Luật và sửa đổi, bổ sung nội hàm của hoạt động chỉ đạo phòng không nhân dân để thực hiện theo hướng bao trùm, tổng quát những nội dung lớn mang tính định hướng chiến lược.
Hiện trong dự thảo Luật có nhiều nội dung của hoạt động chỉ đạo phòng không nhân dân quy định tại Điều 9 bị trùng lặp với nội dung hoạt động phòng không nhân dân tại Điều 17. Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị bổ sung quy định về hoạt động chỉ đạo phòng không nhân dân và nhiệm vụ phòng không nhân dân trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và tình trạng chiến tranh để phân định rõ với hoạt động chỉ đạo, nhiệm vụ phòng không nhân dân trong thời bình.
Tại khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật quy định: trong thời bình, thời hạn huy động để tham gia bồi dưỡng, tập huấn, diễn tập phòng không nhân dân hoặc diễn tập khu vực phòng thủ của địa phương không quá 7 ngày trong 1 năm. ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhận thấy, quy định như vậy sẽ thiếu tính đồng bộ, đơn vị có thể sẽ tổ chức trong vòng 1 ngày, 3 ngày, 5 ngày... Do đó, nên điều chỉnh cụm từ “không quá 7 ngày trong 1 năm” thành “từ 5 đến 7 ngày trong 1 năm” để tạo sự thống nhất chung, bảo đảm thời gian huy động tham gia bồi dưỡng, tập huấn, diễn tập của địa phương.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Quan tâm đến chế độ, chính sách đối với người được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân tại Điều 43, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu rõ, khoản 1 và khoản 2 quy định cụ thể đối với những người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Theo đó, người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được Nhà nước chi trả tiền công lao động theo ngày huy động đảm bảo không thấp hơn mức tiền công hiện hưởng, trường hợp không có thu nhập ổn định thì đảm bảo không thấp hơn mức thu nhập trung bình tại địa phương và được hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe theo quy định của pháp luật.
Vậy người lao động tại doanh nghiệp khi tham gia hoạt động phòng không nhân dân được hưởng chế độ như thế nào? Chủ thể nào sẽ chi trả cho họ? Doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả tiền công, tiền lương cho họ trong thời gian tham gia hoạt động phòng không nhân dân hay không? Băn khoăn với nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, quy định theo hướng: khi người lao động tại doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân thì được hưởng nguyên tiền lương, tiền công, các phúc lợi khác và doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả.
Minh Trang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/lam-ro-noi-ham-hoat-dong-chi-dao-phong-khong-nhan-dan-post394883.html