Sáng 21/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày tờ trình (Ảnh: Media Quốc hội).
Trình bày tờ trình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết dự thảo luật gồm 5 điều.
Liên quan tới Luật Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, dự thảo luật sửa đổi một số quy định về vị trí, vai trò, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, dự thảo luật khẳng định Mặt trận tổ quốc Việt Nam là 1 bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữ vai trò chủ trì, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các tổ chức thành viên khác phối hợp, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức trong hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động.
Dự thảo luật quy định các tổ chức chính trị - xã hội, các hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các đại biểu nghe tờ trình (Ảnh: Media Quốc hội).
Về tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dự thảo luật quy định, ở địa phương có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường và đặc khu, không tổ chức ở cấp huyện để đồng bộ với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp…
Về Luật Công đoàn, dự thảo luật sửa đổi quy định về vị trí, nhiệm vụ của Công đoàn.
Trong đó khẳng định Công đoàn là tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn.
Khi sắp xếp, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn vẫn có tư cách pháp nhân, con dấu của tổ chức, vẫn đại diện tham gia các quan hệ lao động quốc tế, tham gia các quan hệ lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động, phù hợp với các cam kết quốc tế về lao động mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng đóng kinh phí công đoàn để phù hợp với điều chỉnh về tổ chức công đoàn sau sắp xếp, tinh gọn, trong đó cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước không còn là đối tượng phải đóng công đoàn phí.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: Media Quốc hội).
Thẩm tra dự thảo luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với các nội dung.
Tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ tính chất "trực thuộc" của các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mối quan hệ công tác giữa Mặt trận Tổ quốc và các thành viên trực thuộc nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối, chủ động sáng tạo, hoạt động theo pháp luật và điều lệ của mỗi tổ chức theo đúng tinh thần của Hiến pháp và các Nghị quyết của Trung ương.
Liên quan tới các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn, ông Vinh cho biết có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định hệ thống tổ chức công đoàn theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, vừa bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, vừa bảo đảm thực hiện theo Điều lệ Công đoàn.
Đồng thời, vẫn bám sát yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động công đoàn theo tinh thần của Nghị quyết số 2 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, phù hợp với việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp và các quy định khác liên quan tới việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Trang Trần
Yến Chi