Có nhiều điểm tiến bộ so với quy định hiện hành
Thảo luận tại Tổ 5 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương, các ĐBQH tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật). Đồng thời, tán thành phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan trực tiếp đến sắp xếp tổ chức bộ máy; vị trí, vai trò, chức năng, nguyên tắc và tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ tại 4 luật nêu trên.
Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 5 (Quảng Nam, Yên Bái, Bình Dương). Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đánh giá cao các điểm tiến bộ của dự thảo Luật khi đã sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để quy định rõ hơn vị trí của MTTQ so với quy định hiện hành.
Theo đó, quy định tại dự thảo Luật đã nêu rõ MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước...
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long
Đồng thời, nguyên tắc hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng làm rõ hơn theo hướng “các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi thành viên”.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục làm rõ tính chất “trực thuộc” của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, mối quan hệ công tác giữa MTTQ và các thành viên trực thuộc nhưng vẫn bảo đảm tính độc lập tương đối, chủ động sáng tạo, hoạt động theo pháp luật và điều lệ của mỗi tổ chức theo đúng tinh thần của Hiến pháp và các Nghị quyết của Trung ương.
Theo ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương), việc điều hành, quản lý của MTTQ với các tổ chức trực thuộc phải được quy định rõ tại dự thảo Luật, tránh hành chính hóa công tác quản lý và ảnh hưởng đến việc tổ chức quần chúng thực hiện nguyên tắc tự nguyện thành lập của mình. “Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng, hội chỉ về chung một mái nhà, việc quản lý chuyên môn phải được phân định rõ ràng và quy định cụ thể tại dự thảo Luật”, đại biểu đề nghị.
ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long
Dự thảo Luật bãi bỏ quy định về công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở “công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở”, “liên đoàn lao động cấp huyện” và thẩm quyền tương ứng, đặc thù của tổ chức công đoàn (khoản 4 Điều 4, khoản 3 Điều 19); sửa đổi, bổ sung quy định các cấp công đoàn gồm: cấp trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; công đoàn cấp trên cơ sở gồm liên đoàn lao động cấp tỉnh và công đoàn ngành trung ương, công đoàn tập đoàn kinh tế, công đoàn tổng công ty, công đoàn cấp trên cơ sở đặc thù do cấp có thẩm quyền cho phép thành lập phù hợp với tổ chức công đoàn; công đoàn cấp cơ sở gồm công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở (khoản 1 Điều 8).
Đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, quy định tại dự thảo Luật sẽ giúp tổ chức công đoàn thành lập và hoạt động không thuần túy theo cấp hành chính, không gắn với địa bàn dân cư, chủ yếu ở các doanh nghiệp, công đoàn ngành, được tổ chức theo hướng mở, linh hoạt theo đặc thù của tổ chức công đoàn.
Tuy nhiên, do đã chấm dứt hoạt động của Công đoàn cơ sở ở các cơ quan Nhà nước, đại biểu băn khoăn, khi ở các sửa đổi, bổ sung với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại dự thảo Luật chưa có quy định để giúp thực hiện cơ chế liên quan đến thực hiện hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Dẫn quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Trần Công Phàn đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát để quy định bộ phận đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thay thế cho Công đoàn cơ sở, Ban Thanh tra nhân dân thực hiện các hoạt động này.
Giá nhà ở xã hội phải thực sự mang tính hỗ trợ người lao động
Các ĐBQH tán thành với xây dựng, ban hành dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NOXH); cho rằng, việc Quốc hội ban hành nghị quyết này là rất kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, với các cơ chế, ưu đãi cho doanh nghiệp, từ đó tạo điều kiện phát triển NOXH.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long
Đặc biệt, đại biểu đánh giá cao khi dự thảo Nghị quyết quy định trường hợp giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội theo kiểm toán, quyết toán cao hơn giá bán, giá thuê mua do chủ đầu tư đã ký Hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm phần chênh lệch của người mua, thuê mua nhà ở xã hội; trường hợp thấp hơn thì chủ đầu tư phải hoàn trả lại phần chênh lệch cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Quan tâm đến quy định tại Điều 8 dự thảo Nghị quyết về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, quy định về nội dung này tại dự thảo Nghị quyết về căn cứ, phương pháp xác định mức giá bán NOXH còn chung chung. Trong khi đó, đại biểu nêu thực tế, người lao động, người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở xã hội thời gian qua còn hạn chế không chỉ do cơ chế mua nhà ở xã hội khó tiếp cận mà còn do giá bán vẫn ở mức cao so với thu nhập của họ.
ĐBQH Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu nêu rõ, người lao động hiện hưởng lương theo khu vực, tương ứng với mức lương tối thiểu của từng khu vực được cơ quan chức năng công bố. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết quy định chung chung về căn cứ, phương pháp xác định giá bán NOXH thì có thể khiến người lao động ở khu vực đô thị hay nông thôn đều mua ở một mức giá sàn giống nhau, không có sự phân định phù hợp với từng khu vực, tương ứng với mức lương tối thiểu của từng khu vực.
Người lao động ở khu vực đô thị có chi tiêu sinh hoạt cao hơn, mà tiền lương chỉ ở trong mức nhất định thì lại phải mua nhà giá đắt. Chỉ ra bất cập này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định giao Chính phủ quy định mức giá sàn với nhà ở xã hội, để bảo đảm giá bán thực sự hỗ trợ cho người lao động, nhất là với người thu nhập thấp.
“Nếu giá NOXH chỉ thấp hơn so với nhà ở thương mại sẽ vẫn ngoài tầm tay với người lao động, người thu nhập thấp. Giá bán hiện nay đang khiến người lao động phải trả nợ trong 15 đến 20 năm, khó lo được các nhu cầu của cá nhân, gia đình. Đã gọi là chính sách hỗ trợ thì phải xác đáng, phù hợp với mức lương của người lao động hiện nay”, đại biểu nhấn mạnh.
Thanh Hải