Làm sao thu hút, giữ chân người tài khi tinh gọn tổ chức bộ máy?

Làm sao thu hút, giữ chân người tài khi tinh gọn tổ chức bộ máy?
8 giờ trướcBài gốc
"Chọn và giữ" đúng người tài
Chính phủ đã thông qua 3 Nghị định về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ chính sách với cán bộ thôi việc và chế độ với cán bộ, công chức, viên chức ảnh hưởng do tinh gọn bộ máy. Chia sẻ với Người Đưa Tin về những chính sách quan trọng này, PGS.TS Bùi Thị An - ĐBQH Khóa XIII nhìn nhận, trong các nghị định, chính sách, việc đãi ngộ được cụ thể hóa thông qua những chính sách chi trả chế độ, nhằm đánh giá và ghi nhận đúng mức công sức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo bà An điều này được thực hiện theo đúng cơ chế thị trường, tức là làm và cống hiến nhiều thì được hưởng nhiều.
PGS.TS Bùi Thị An - ĐBQH Khóa XIII.
Thêm nữa, tuyển dụng vào nhưng cũng có đào thải, theo bà An đây cũng là điểm mới. "Không phải tuyển vào là làm mãi mà đánh giá qua thực tế nếu làm không được việc cũng cần có sự xem xét, đào thải, đánh giá năng lực thực sự của họ qua cống hiến", bà An nói.
Cùng với đó, các Nghị định cũng đã đưa ra chính sách, tạo điều kiện, tạo môi trường cho đội ngũ công chức viên chức làm việc, được sáng tạo. "Đây cũng là điều đáng ghi nhận", bà An nói.
"Làm thế nào để chọn được đúng người tài? Và giữ được đúng người tài? Đánh giá thế nào đúng là người tài? Bởi người tài trong mỗi một lĩnh vực sẽ có tiêu chí khác nhau", bà An cũng đặt vấn đề.
Ai là người tuyển dụng? trả lời câu hỏi này bà An cho rằng trước hết là người đứng đầu các tổ chức, các đơn vị.
"Bản thân người đứng đầu các tổ chức, đơn vị cần có tâm, có tầm, đặc biệt có "tâm" thì mới nhìn ra, đánh giá được ai có năng lực thực sự. "Có tâm thì mới không cản những người tài, không sợ người ta hơn mình", đây là điều rất quan trọng", bà An chia sẻ và lưu ý tránh trong quá trình tinh giản người tài không được giữ lại và người không có tài được giữ lại.
"Trong cuộc cách mạng tinh gọn, cần lưu ý giảm đầu mối, giảm người đi thì phải giảm đúng, không giảm cơ học. Làm thế nào để không giảm cơ học và tuyển được đúng người tài, theo tôi cần phải có giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, từng nơi. Có những nguyên tắc chung và có những tiêu chí đánh giá hiệu quả thực tế công tác", bà An cho hay.
Khi thực hiện tinh gọn sẽ có một bộ phận lớn cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước... dôi dư, mất việc làm. Bà An cho rằng câu chuyện là làm thế nào để đánh giá đúng hiệu quả của người cống hiến, không có lợi ích nhóm thì mới "giữ chân" được người tài, đảm bảo sự công bằng, minh bạch.
Bà An cũng cho rằng, các hướng dẫn, nghị định, thông tư, chỉ đạo trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đều đã có. Khi đi vào triển khai, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần đánh giá qua thực tiễn công chức, viên chức đó làm việc có tích cực không, có hiệu quả không để đưa ra đánh giá.
"Chúng ta phải sắp xếp để bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả hơn, tự tin bước vào công việc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", bà An nhấn mạnh.
Đánh giá công bằng về những cống hiến
Với tinh thần "thần tốc, chỉ bàn làm, không bàn lùi", cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được tiến hành tích cực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.
Để việc sắp xếp diễn ra thuận lợi, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó không ít người là cán bộ chủ chốt ở địa phương đã tình nguyện xin thôi công tác khi vẫn còn tuổi.
Đơn cử, ở Thanh Hóa, bà Bùi Thị Mười - Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cán bộ đầu tiên của tỉnh này tiên phong xin nghỉ hưu trước tuổi, dù còn gần 2 năm công tác mới đến tuổi nghỉ hưu.
Ở Thái Nguyên, theo kế hoạch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sáp nhập vào Sở Nội vụ. Để quá trình sắp xếp diễn ra thuận lợi, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tự nguyện xin nghỉ chế độ trước tuổi hơn 3 năm…
Theo bà An, để việc sắp xếp diễn ra thuận lợi, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó không ít người là cán bộ chủ chốt đã tình nguyện nghỉ trước tuổi.
"Có thể thấy, lợi ích của tập thể trong tiến hành tinh gọn bộ máy đã được đặt lên trên", bà An nhấn mạnh.
Bà An cũng cho rằng, cần có đánh giá công bằng về những cống hiến của những cán bộ về hưu.
"Đánh giá về sự hy sinh, cống hiến của họ cần phải nhìn nhận rất công bằng, rất cần người đứng đầu đánh giá công tâm. Thậm chí, cần lưu ý những người tình nguyện về hưu trước tuổi nhưng nếu thật sự là người tài thì nên giữ lại", bà An chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông - nguyên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi có sự hy sinh, trong đợt tinh gọn này, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức sẽ bị mất việc làm, thậm chí có những người chức vụ không còn giữ như cũ.
Ví dụ: Nhập 2 bộ thành 1 bộ thì chỉ còn một bộ trưởng; nhập 2 ban thì chỉ còn 1 trưởng ban; nhập 2 - 3 vụ thành 1 vụ, chỉ còn một vụ trưởng, những người còn lại phải "hy sinh".
Điều đó nói rằng, trong cuộc cách mạng này đòi hỏi sự hy sinh của cán bộ, đảng viên như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, trước hết là các Ủy viên Trung ương là những người được bổ nhiệm, phân công làm tư lệnh ngành, đơn vị, lần này nhập vào thì cũng phải hy sinh quyền lợi của mình.
Ông Thông cho rằng, sự hy sinh này cần được ghi nhận như một sự khẳng định công lao đóng góp của những cán bộ, đảng viên sẵn sàng nhường vị trí để tạo điều kiện thuận lợi cho sắp xếp tổ chức bộ máy.
ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn Hà Nội.
Cũng chia sẻ thêm với Người Đưa Tin, ĐBQH Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng việc sáp nhập bộ máy hành chính chắc chắn sẽ tạo ra tâm tư, lo ngại đối với không ít cán bộ, công chức, viên chức, bởi đây là một sự thay đổi lớn, liên quan trực tiếp đến công việc, quyền lợi và môi trường làm việc của họ.
Đặc biệt, khi việc sáp nhập có thể dẫn đến việc điều chỉnh, giảm biên chế hoặc thay đổi cơ cấu tổ chức, cảm giác lo lắng và bất an là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, ông cho rằng, trong bối cảnh cải cách hành chính và phát triển đất nước, một phần của quá trình này chính là sự hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.
Việc đặt lợi ích chung lên hàng đầu, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để mang lại hiệu quả tổng thể cho bộ máy Nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn, là một thái độ cần thiết và đáng trân trọng trong công cuộc xây dựng đất nước.
Cũng giống như trong một đội ngũ, mỗi thành viên cần phải hy sinh một chút vì sự tiến bộ và thành công chung của tập thể.
Trong trường hợp này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nhìn nhận sự thay đổi này không phải là một mất mát, mà là một cơ hội để hệ thống hành chính trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn, từ đó giúp cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững hơn.
"Tôi cũng cho rằng, nếu sự hy sinh quyền lợi cá nhân là điều cần thiết để cải cách bộ máy hành chính, thì điều quan trọng là phải có chính sách hỗ trợ hợp lý. Để cán bộ, công chức, viên chức cảm nhận được sự công bằng và sự chăm lo từ phía Nhà nước.
Trong mọi cải cách lớn, sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung luôn là một yếu tố quan trọng, nhưng chỉ khi sự hy sinh đó đi kèm với sự công bằng, minh bạch và hỗ trợ thiết thực, thì mới có thể thu hút được sự đồng thuận và cam kết từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", ông Sơn cho biết thêm.
Cần thường xuyên đánh giá, giám sát
Đánh giá thêm về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này, bà Bùi Thị An cho rằng qua giai đoạn vừa rồi bà cảm nhận được sự khẩn trương, tích cực vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Bà An cũng lưu ý trong quá trình thực hiện cần thường xuyên giám sát, đánh giá, xem lại hiệu quả của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/lam-sao-thu-hut-giu-chan-nguoi-tai-khi-tinh-gon-to-chuc-bo-may-20425010818204639.htm