Vì sao cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương?
Bộ máy hành chính có liên thông, đồng bộ mới hoạt động được trôi chảy, xuyên suốt mà không bị tắc nghẽn bởi các tầng nấc trung gian, không bị ách lại bởi các “nút” có thể phát sinh ở cấp Trung ương hay địa phương. Theo đó, ở cấp Trung ương có Bộ, ngành theo lĩnh vực nào thì hoạt động theo ngành dọc phải liên thông với sở, phòng tương ứng ở địa phương. Khi cấp Bộ hợp nhất thì ở địa phương cũng phải làm tương ứng, không thể để tình trạng trên Bộ thì hợp nhất nhưng dưới địa phương lại chỗ làm, chỗ không. Ngược lại, ở địa phương nếu tiến hành hợp nhất mà cấp Bộ vẫn giữ nguyên cũng tạo ra điểm nghẽn, khó thực hiện.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ảnh: TTXVN.
Và, đây là câu chuyện thực tiễn từng xảy ra sau khi một số địa phương thực hiện sáp nhập các sở theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Hơn 6 năm trước, Lào Cai là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước tiên phong thực hiện thí điểm sáp nhập Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng. Theo đánh giá, đây là 2 sở có chức năng, nhiệm vụ khá tương đồng, sáp nhập không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, thời gian hoạt động của sở này sau khi hợp nhất lại phát sinh nhiều vấn đề khiến cuối năm 2023, tỉnh Lào Cai quyết định tách Sở Giao thông vận tải - Xây dựng thành 2 sở như trước đây.
Theo lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ, chưa có quy định về chức năng, nhiệm vụ dẫn đến vướng mắc trong thực hiện. Việc sáp nhập 2 sở làm một trong khi số lượng cấp phó giảm dẫn đến khó khăn trong sắp xếp, phân công nhiệm vụ. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng lại được đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của 2 Bộ (Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải) với 22 hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành khác nhau nên việc thực hiện báo cáo khó khăn... Như vậy, câu chuyện nhập tách, tách nhập chỉ gây xáo trộn mấy năm rồi “mèo lại hoàn mèo” bởi trong khi cấp Bộ vẫn chưa tiến hành hợp nhất, các tỉnh khác vẫn giữ nguyên thì việc chỉ 1-2 địa phương làm trước sẽ khó khăn đủ bề.
Tương tự Lào Cai, tháng 9/2018, tỉnh Hà Giang mạnh dạn thí điểm hợp nhất bộ máy cơ quan tham mưu của Đảng với cơ quan của chính quyền. Cụ thể, tỉnh hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức - Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra. Đây là những cơ quan được đánh giá là có chức năng, nhiệm vụ khá tương đồng. Qua hợp nhất, Hà Giang giảm được 3 đầu mối cơ quan cấp tỉnh, giảm 18 đơn vị cấp phòng.
Sau 2 địa phương trên, tháng 11/2018, tỉnh Bạc Liêu quyết định sáp nhập 4 sở thành 2 sở, gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo sáp nhập với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáp nhập với Sở Thông tin và Truyền thông thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch...
Tương tự như câu chuyện ở Lào Cai, sau khi hợp nhất, bên cạnh kết quả tích cực về tinh gọn tổ chức, bộ máy, hoạt động ở những “siêu sở”, “siêu cơ quan” trên nảy sinh nhiều vấn đề bất cập về chức năng, nhiệm vụ. Với Hà Giang, việc hợp nhất giữa cơ quan của Đảng với cơ quan của chính quyền dẫn đến khó tách bạch được chức năng, nhiệm vụ của Đảng và chính quyền. Như lĩnh vực thanh tra, nội vụ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, trong khi lĩnh vực kiểm tra, tổ chức lại thuộc cấp ủy.
Trước những bất cập trên, sau gần 1,5 năm thực hiện thí điểm, cuối năm 2020, Hà Giang quyết định tách ra và lập lại Sở Nội vụ và Thanh tra tỉnh như cũ. Tương tự, tại Bạc Liêu, các “siêu sở” sau khi được sáp nhập cũng gặp nhiều khúc mắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trong báo cáo xin chỉ đạo, quán triệt triển khai đường hướng của cấp trên.
Các sở sau khi được sáp nhập vẫn chịu sự quản lý về mặt chuyên ngành của 2 Bộ có liên quan và vẫn phải báo cáo, xin ý kiến, dẫn đến khó khăn cho công việc. Như Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ, vừa xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại vừa trình Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong khi đó, các tỉnh khác vẫn sở nào việc nấy, chẳng có động tĩnh gì trong việc hợp nhất. Do đó, cuối năm 2022, tỉnh Bạc Liêu quyết định tách 2 sở thành 4 sở như cũ.
Những địa phương trên được xem là mô hình thí điểm của việc sáp nhập các sở, ngành có chức năng tương đồng. Cách làm thí điểm cũng có tính truyền thống khi chúng ta muốn triển khai một mô hình, phương án mới mà chưa có tiền lệ, muốn có thời gian triển khai thí điểm để xem ưu, nhược thế nào rồi sẽ sơ kết, đánh giá có tiếp tục nhân rộng, triển khai đồng bộ hay chấm dứt. Việc áp dụng thí điểm thể hiện cách làm thận trọng, từng bước một nhằm tránh gây xáo trộn, tránh ảnh hưởng đến mô hình phổ quát khi mà chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá.
Tuy nhiên, triển khai thí điểm cũng bộc lộ hạn chế lớn như cách làm nói trên ở các địa phương được lựa chọn là Lào Cai, Hà Giang, Bạc Liêu... Đó là bởi các địa phương làm thí điểm chỉ là thiểu số, trong khi cả bộ máy chung còn giữ nguyên, cấp bộ giữ nguyên. Việc này dẫn đến sự lẻ loi, là điểm nghẽn trong thực thi chính sách, cơ chế. Trong khi đó, chính địa phương thực hiện thí điểm lại chịu thiệt thòi vì phải giải quyết cán bộ dôi dư sau khi hợp nhất thì các địa phương khác lại không ảnh hưởng gì, tạo ra sự bất công bằng, thiếu khách quan mà phần thiệt rơi vào địa phương thí điểm hợp nhất.
Như vậy, hầu như các địa phương sau khi thí điểm hợp nhất, tinh gọn bộ máy thì chỉ hoạt động được mấy năm rồi trở lại như cũ. Do đó, yếu tố quan trọng trong thực hiện hợp nhất, tinh gọn chính là phải làm đồng bộ ở tất cả các tỉnh, thành và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Khi tất cả cùng làm thì sẽ không còn tình cảnh người này ngó người kia, so bì, tị nạnh vì sự thiệt thòi nếu có cũng là khách quan như nhau ở các địa phương. Đặc biệt, ở Trung ương phải nêu gương làm trước, các địa phương theo mô hình của Trung ương mà làm theo; ở Trung ương hợp nhất Bộ, ngành nào thì ở địa phương cũng hợp nhất sở, ngành đó một cách tương ứng.
Qua theo dõi cho thấy, hiện đang có một số địa phương muốn xin giữ lại sở này, ngành kia với các lý do như tính đặc thù hay giữ lại để phát triển. Nếu các địa phương nghiêm túc thực hiện mà lại xuất hiện một số nơi xin giữ lại vì “tính đặc thù” sẽ là không công bằng, bởi suy cho cùng, địa phương nào cũng có thể bám vào tính đặc thù để xin giữ lại. Nếu vậy sẽ tạo ra các điểm nghẽn, rất khó đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Chẳng hạn, một số địa phương đang muốn giữ lại Sở Du lịch vì cho rằng địa phương mình du lịch phát triển, mang lại nguồn thu lớn.
Nếu xét yếu tố này thì sẽ rất nhiều địa phương có thế mạnh du lịch sẽ muốn giữ hay tách ra Sở Du lịch riêng. Điều này tạo các “nút thắt” bởi du lịch gắn với văn hóa, thể thao, ở cấp Bộ đã hợp nhất trong một Bộ để quản lý thống nhất thì không lý do gì ở địa phương lại chia nhỏ. Trong khi ở cấp Bộ, việc quản lý du lịch chỉ còn là cấp cục (trước đây là Tổng cục Du lịch) mà ở địa phương cũng tách thành cấp sở (tương đương cấp cục), tức về quy mô ngang bằng nhau, là rất bất cập.
Có địa phương cũng đề xuất giữ lại các sở có “yếu tố đặc thù”, điển hình là Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng. Điều này khiến nhiều người băn khoăn bởi ở cấp Trung ương đã có phương án hợp nhất 2 Bộ, hầu hết các địa phương khác cũng đang xây dựng phương án hợp nhất như Trung ương. Nếu lấy “đặc thù” về tính chất giao thông, xây dựng để giữ lại, tạo ra ngoại lệ thì các địa phương có mật độ đô thị, giao thông cao cũng sẽ xin giữ lại với lý do tương tự. Cần thấy rằng, đến nay, Bộ Nội vụ đã tham mưu cơ cấu tổ chức Chính phủ chỉ còn 13 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ (giảm 5 Bộ), 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan); giảm 12/13 tổng cục và tương đương, 500 cục và tương đương thuộc Bộ, thuộc tổng cục; giảm 177 vụ thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và tương đương; giảm 190 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ.
Do đó, ở các địa phương cũng phải thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ như Trung ương, không thể tạo ra các điểm nghẽn, ngoại lệ, đúng như quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Các đồng chí cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; “Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”; “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”...
Đăng Trường