1. Chấp nhận cảm xúc của bản thân
Đầu tiên, hãy thừa nhận rằng bạn có cảm giác tiêu cực với người kia. Đừng cố gắng phủ nhận hoặc che giấu cảm xúc của mình, ngược lại hãy cho phép bản thân cảm nhận những điều này. Khi đã chấp nhận cảm xúc thật của bản thân, bạn sẽ kiểm soát hành vi và lời nói của mình tốt hơn.
2. Tập trung vào mục tiêu chung và nhiệm vụ
Chia sẻ công việc, phân công nhiệm vụ rõ ràng và công bằng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng và tạo ra sự hợp tác tốt hơn.
Khi bước vào các cuộc họp hay dự án, hãy nhớ rằng mục tiêu là hoàn thành công việc. Tạo một danh sách các nhiệm vụ cần làm và phân chia công việc rõ ràng, công bằng. Nhớ rằng bạn và đồng đội đều có chung một mục tiêu và cần tập trung vào đó. Điều này giúp bạn không bị cuốn vào những tranh cãi cá nhân, mà chỉ nhằm vào việc làm sao để đạt kết quả tốt nhất.
3. Giao tiếp một cách thực tế
Giao tiếp rõ ràng và luôn cởi mở trong việc trao đổi ý kiến. Chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình một cách lịch sự và cụ thể để tránh hiểu lầm.
Khi cần trao đổi về công việc với người mà bạn không thích, hãy giữ giọng điệu chuyên nghiệp. Một mẹo đơn giản để giao tiếp tốt đó là thay vì nói “Tôi không thích cách cậu làm việc”, hãy chuyển sang “Tôi sẽ phối hợp với cậu tốt hơn nếu...”. Cách này sẽ giúp giảm bớt sự căng thẳng trong giao tiếp.
4. Thảo luận về khác biệt
Tôn trọng mọi quan điểm khác nhau là bí quyết vàng trong giao tiếp. Mỗi người có cách tiếp cận vấn đề khác nhau và ai cũng có quan điểm riêng. Khi gặp trục trặc hoặc vấn đề, hãy cố gắng lắng nghe và hiểu lý do đằng sau quan điểm của người kia trước khi bác bỏ.
Nếu có quan điểm và cách xử lí vấn đề của họ làm bạn bực bội, hãy thảo luận một cách trực tiếp, mở lòng và lịch sự. Mục tiêu là làm sáng tỏ hiểu lầm, cùng giải quyết vấn đề và hướng đến kết quả cuối cùng, chứ không phải là đổ lỗi qua lại cho nhau.
5. Đặt ranh giới rõ ràng
Giữ được bình tĩnh ngay cả khi bị công kích là bản lĩnh mà chúng ta phải chấp nhận va chạm để luyện tập. Hãy đặt ra một ranh giới và cố gắng không vượt qua nó. Ví dụ, nếu người kia thường xuyên cắt lời bạn, hãy nhắc nhở họ một cách nhẹ nhàng rằng bạn đang nêu ý kiến và cần được lắng nghe.
Nếu họ tiếp tục làm như vậy hoặc cố tình khiến bạn nóng giận, đừng ngần ngại dừng cuộc đối thoại và giữ im lặng bằng mọi giá. Mục đích là không trở nên thô lỗ giống cách người kia đã làm.
Hãy thư giãn và hít thở sâu, từ chối tiếp nhận thông tin và phản hồi, tập trung duy trì sự bình tĩnh. Trong trường hợp, cảm thấy bản thân đang nóng giận tột độ, nhắm khó có thể kiểm soát cảm xúc và hành động của mình thì hãy ngừng lại và rời khỏi.
Ái Phương - Ảnh minh họa từ Internet