Lần đầu có quy chuẩn phương tiện thủy chạy bằng động cơ điện

Lần đầu có quy chuẩn phương tiện thủy chạy bằng động cơ điện
3 giờ trướcBài gốc
Hệ thống đẩy bằng động cơ điện lắp đặt trên phương tiện thủy phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật được quy định tại Quy chuẩn QCVN 126 : 2025/BGTVT - Ảnh internet minh họa
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 05/2025/TT – BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống đẩy bằng động cơ điện lắp đặt trên phương tiện thủy nội địa (Quy chuẩn QCVN 126 : 2025/BGTVT), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2025. Quy chuẩn nhằm quy định các yêu cầu kỹ thuật và là cơ sở pháp lý để thiết kế, lắp đặt và khai thác hệ thống điện sử dụng đẩy phương tiện thủy nội địa hoặc hệ thống đẩy hỗn hợp.
Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến các phương tiện sử dụng hệ thống đẩy bằng động cơ điện, bao gồm: Cơ quan đăng kiểm Việt Nam, chủ phương tiện thủy, các đơn vị thiết kế, các cơ sở đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa và khai thác phương tiện thủy; các cơ sở chế tạo vật liệu, sản phẩm, trang thiết bị hệ thống đẩy bằng động cơ điện lắp đặt trên phương tiện thủy; các tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện và vật liệu, trang thiết bị hệ thống đẩy bằng động cơ điện lắp đặt trên phương tiện thủy.
Theo quy chuẩn, điện áp cung cấp cho hệ thống điện sử dụng cho đẩy tàu bằng động cơ điện không được lớn hơn các giá trị: Hệ thống điện DC có điện áp dưới 1.500 V; Hệ thống điện AC một pha; Hệ thống điện AC ba pha có điện áp đến 1.000 V.
Hệ thống đẩy bằng động cơ điện gồm các bộ phận hợp thành (nhưng không giới hạn): Các tổ pin/ắc quy; hệ thống quản lý pin; nguồn quang điện sử dụng năng lượng mặt trời; các bộ chuyển đổi AC/DC, DC/DC, DC/AC, AC/AC và các bộ biến tần; các động cơ điện lai chân vịt; các bảng điện động lực; các hệ thống điều khiển, giám sát, báo động và cảnh báo; các biến áp; dây dẫn và cáp điện; các cầu dao, áp - tô - mát, công tắc điện từ và cầu chì.
Các hệ thống điều khiển bằng điện/điện tử của hệ thống động cơ điện phải có khả năng điều khiển cũng như hạn chế mức năng lượng để ngăn ngừa bộ nguồn pin/ắc quy hoặc nguồn cấp điện năng và các máy của hệ thống đẩy khỏi hư hỏng.
Đáng chú ý, quy chuẩn cũng quy định về lắp đặt thiết bị để sử dụng năng lượng mặt trời làm nguồn điện cho hệ thống động cơ phương tiện thủy. Cụ thể, việc lắp đặt nguồn quang năng sử dụng năng lượng mặt trời phải thỏa mãn TCVN 7447- 7 - 712 : 2015/IEC 60364 - 7 - 712 : 2002 hoặc tương đương. Ngoài ra, phải đáp ứng các yêu cầu như: Các tấm pin/ắc quy mặt trời phải được cố định chắc chắn trên các giàn khung của thân phương tiện và không làm ảnh hưởng đến khả năng ổn định của phương tiện. Các mối nối điện và cáp điện lộ ra ngoài phải đảm bảo kín nước và có biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu nước đi từ ngoài vào trong phương tiện.
Về thử nghiệm, quy chuẩn quy định: Sau khi việc lắp đặt hệ thống đẩy bằng động cơ điện trên phương tiện được hoàn thiện, toàn bộ hệ thống đẩy bằng động cơ điện phải được thử nghiệm với kết quả đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn.
Bộ GTVT giao Cục Đăng kiểm Việt Nam; các Chi cục, Chi nhánh đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam; các đơn vị đăng kiểm thuộc Sở GTVT thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật hệ thống đẩy bằng động cơ điện lắp đặt trên phương tiện theo quy chuẩn trên. Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm: Tổ chức hệ thống đăng kiểm thống nhất trong phạm vi cả nước để thực hiện công tác kiểm tra hệ thống đẩy bằng động cơ điện lắp đặt trên phương tiện thủy thuộc phạm vi áp dụng của quy chuẩn; tổ chức phổ biến quy chuẩn cho các đơn vị, tổ chức cá nhân liên quan thuộc đối tượng áp dụng của quy chuẩn trên.
Huy Lộc
Nguồn GTVT : https://tapchigiaothong.vn/lan-dau-co-quy-chuan-phuong-tien-thuy-chay-bang-dong-co-dien-183250206054526438.htm