Lần đầu tiên trong 5 năm, có ứng viên ngành Luật học bị loại ở HĐGS ngành

Lần đầu tiên trong 5 năm, có ứng viên ngành Luật học bị loại ở HĐGS ngành
4 giờ trướcBài gốc
Vừa qua, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã công bố danh sách 582 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024. Trong đó, ngành Luật học có 9 ứng viên được thông qua.
Các ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Luật có độ tuổi từ 38-51
Được biết, năm nay, ngành Luật học có 11 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Trong đó, có 1 ứng viên giáo sư và 10 ứng viên phó giáo sư. Tỉ lệ ứng viên nữ, ứng viên nam lần lượt là 4 (chiếm 36,36%) và 7 (chiếm 63,64%).
Các ứng viên có độ tuổi từ 38 đến 51 tuổi, trong đó người lớn tuổi nhất là ứng viên giáo sư, hiện đang công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia. Ứng viên trẻ tuổi nhất là giảng viên của Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Sau vòng đánh giá của Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, có 2 ứng viên phó giáo sư không được thông qua. Tỉ lệ đạt so với số lượng ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất là 81,82%.
Thống kê số lượng ứng viên đăng ký xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư ngành Luật học năm 2024 ở các cơ sở giáo dục đại học. Bảng: Doãn Nhàn
2 ứng viên không đủ điều kiện là ứng viên của Trường Đại học Lao động - Xã hội và Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là những ứng viên ngành Luật học duy nhất của 2 cơ sở giáo dục này. Như vậy, sau vòng đánh giá của Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, 2 trường này không còn ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Luật học nào.
9 ứng viên còn lại đến từ 7 cơ sở giáo dục đại học, bao gồm 1 ứng viên giáo sư đến từ Học viện Hành chính Quốc gia và 8 ứng viên phó giáo sư đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội (2), Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh (1), Trường Đại học Gia Định (1), Trường Đại học Cần Thơ (1), Trường Đại học Luật, Đại học Huế (2), Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (1).
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là năm đầu tiên trong 5 năm trở lại đây, ngành Luật học có ứng viên không được thông qua ở vòng đánh giá của hội đồng cấp ngành.
Những năm trước, tỉ lệ đạt ở Hội đồng Giáo sư ngành so với số lượng ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất trước đó là 100%.
Hai năm gần đây, ghi nhận số lượng ứng viên đăng ký xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư của ngành Luật học tăng hơn so với những năm trước. Cụ thể:
Năm 2023, ngành Luật có 12 ứng viên đăng ký xét công nhận đạt chức đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó, bao gồm 2 ứng viên giáo sư, 10 ứng viên phó giáo sư. Kết quả Hội đồng Giáo sư nhà nước thông qua 11 ứng viên, 1 ứng viên giáo sư không đủ điều kiện. Tỉ lệ đạt ở Hội đồng Giáo sư nhà nước so với số lượng ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất là 91,67%.
Năm 2022, ngành Luật học có 6 ứng viên đăng ký xét công nhận đạt chức đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó, bao gồm 1 ứng viên giáo sư, 5 ứng viên phó giáo sư. Kết quả, các ứng viên đều được Hội đồng Giáo sư ngành Luật học và Hội đồng Giáo sư nhà nước thông qua (đạt 100%).
Tương tự, năm 2021 và 2020, tất cả ứng viên giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề xuất đều được Hội đồng Giáo sư ngành Luật học và Hội đồng Giáo sư nhà nước thông qua. Trong đó, năm 2021 có 1 ứng viên giáo sư, 8 ứng viên phó giáo sư. Năm 2020 có 4 ứng viên phó giáo sư, không có ứng viên giáo sư.
Kết quả đánh giá ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành Luật học ở hội đồng các cấp trong 5 năm qua. Bảng: Doãn Nhàn
Như vậy từ năm 2020 đến nay, có 30 ứng viên ngành Luật học đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (chưa tính năm 2024). Trong đó, có 3 giáo sư và 27 phó giáo sư.
Các Hội đồng Giáo sư cơ sở đánh giá ứng viên ra sao?
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Luật Hà Nội, năm nay, có 3 ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, gồm 2 ứng viên ngành Luật học và 1 ứng viên ngành Ngôn ngữ học (đều là giảng viên của Trường Đại học Luật Hà Nội).
Kết quả, cả 3 ứng viên đều được Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Luật Hà Nội thông qua (đạt 100%).
Tại vòng đánh giá của Hội đồng Giáo sư ngành Luật, 2 ứng viên trên cũng đã được hội đồng cấp ngành thông qua.
Kết quả xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Luật Hà Nội. Ảnh chụp màn hình
Được biết, Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Luật Hà Nội năm nay gồm 11 thành viên, trong đó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Vĩnh Thắng (giảng viên cao cấp, Trường Đại học Luật Hà Nội) được bầu giữ chức Chủ tịch; Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Lan Anh (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội giữ vai trò Phó Chủ tịch.
2 ứng viên phó giáo sư ngành Luật học của Trường Đại học Luật, Đại học Huế đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư tại Hội đồng Giáo sư cơ sở 2 Đại học Huế (Hội đồng Khoa học Xã hội và Nhân văn).
Hội đồng này gồm 11 thành viên, do Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Đức Lương (Hiệu trưởng Trường Đại học Luật - Đại học Huế) giữ chức Chủ tịch Hội đồng; Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Nhung (Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế) là Phó Chủ tịch.
Theo danh sách công khai, tại Hội đồng Giáo sư cơ sở 2 Đại học Huế năm nay, có 7 ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, gồm các ngành: Giáo dục học (3 ứng viên), Kinh tế (1 ứng viên), Luật học (2 ứng viên) và Ngôn ngữ học (1 ứng viên).
Kết quả, 7/7 ứng viên đều được Hội đồng Giáo sư cơ sở 2 Đại học Huế thông qua (đạt 100%).
Kết quả xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Giáo sư cơ sở 2 Đại học Huế. Ảnh chụp màn hình
Tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, năm nay có 6 ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt chức danh phó giáo sư. Trong đó, chỉ 1 ứng viên ngành Luật học và 4 ứng viên ngành Kinh tế, 1 ứng viên ngành Chính trị học.
Kết quả, 5/6 viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thông qua (đạt 83,33%), 1 ứng viên ngành Kinh tế không đủ điều kiện.
Tuy nhiên, tại vòng đánh giá của hội đồng cấp ngành, ứng viên ngành Luật duy nhất của Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã không đạt ở Hội đồng Giáo sư ngành Luật.
Kết quả xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp màn hình
Được biết, Hội đồng cơ sở Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh gồm 11 thành viên, do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Cành (Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) giữ chức Chủ tịch; Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh (Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) là Phó Chủ tịch.
Quy trình xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện trải qua 3 cấp hội đồng: cơ sở, ngành/liên ngành và nhà nước.
Theo đó, hàng năm, căn cứ nhu cầu xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quyết định việc thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở (trong đó, cần đảm bảo yêu cầu về số lượng và tiêu chuẩn thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở theo quy định).
Kết quả đánh giá tại các Hội đồng Giáo sư cơ sở được lên Hội đồng Giáo sư nhà nước.
Tiếp đó, Hội đồng Giáo sư nhà nước lại giao cho Hội đồng ngành, liên ngành tiến hành thẩm định các ứng viên giáo sư, phó giáo sư. Và cuối cùng là vòng thẩm định, đánh giá tại Hội đồng Giáo sư nhà nước.
Theo quy định tại Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để được xét công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, ứng viên cần là tác giả chính của 3-5 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus hoặc danh mục khác do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định.
Đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư là một trong những điều kiện quan trọng để cơ sở giáo dục đại học mở rộng quy mô đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhất là với trình độ sau đại học.
Giáo sư, phó giáo sư đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học được hưởng các quyền lợi như có thể kéo dài thời gian làm việc tối đa 5 năm kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học; Xét đặc cách bổ nhiệm vào hạng chức danh khoa học, hạng chức danh công nghệ cao hơn không qua thi thăng hạng, không phụ thuộc vào năm công tác; Được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Doãn Nhàn
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/lan-dau-tien-trong-5-nam-co-ung-vien-nganh-luat-hoc-bi-loai-o-hdgs-nganh-post246366.gd