Làn gió mới cho Vườn hoa Cửa Nam

Làn gió mới cho Vườn hoa Cửa Nam
3 phút trướcBài gốc
Dấu ấn mỹ thuật quảng cáo của Hà Nội xưa
Trong quá trình cải tạo duy tu khu vực Vườn hoa Cửa Nam, những bức vẽ quảng cáo các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng nổi tiếng ở Hà Nội trước năm 1954 như lốp xe ô tô Good year, nước khoáng Evian… được phát lộ. Đặc biệt, còn có một số bức vẽ quảng cáo thương hiệu áo dài Lemur nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Cát Tường.
Mỹ thuật Đông Dương với triết lý, tư tưởng phương Tây nhưng “hồn cốt” lại dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống Việt Nam và họa sĩ Nguyễn Cát Tường (Lemur Cát Tường), một họa sĩ nổi danh thời Mỹ thuật Đông Dương, với những đóng góp lớn về mặt thiết kế nghệ thuật khi vẽ kiểu và thiết kế nên những mẫu áo dài cách tân đầu tiên cho phụ nữ Việt Nam. Ông được xem là một họa sĩ thiết kế thế hệ đầu tiên, người đặt nền móng cho mỹ thuật quảng cáo. Logo Lemur Cát Tường cũng là logo đầu tiên của họa sĩ Cát Tường thiết kế về thương hiệu áo dài Lemur.
Những bức quảng cáo của họa sĩ Cát Tường được tái hiện lại trong Dự án Vườn hoa Cửa Nam.
Lemur Cát Tường ngoài là một họa sĩ học về trang trí của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông dường như được xem là người đầu tiên có khái niệm về vẽ quảng cáo. Các bức vẽ quảng cáo của ông cổ vũ lối sống của thị dân theo phong cách hiện đại từ trang phục, xe cộ, nhà ở…, nhưng những phong cách hiện đại đó lại được lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Việt Nam, cách điệu từ áo dài tứ thân, áo dài ngũ thân của phụ nữ Việt Nam.
Áo dài Lemur Cát Tường bên cạnh áo dài tứ thân, ngũ thân truyền thống trên các poster vẽ quảng cáo về Hội chợ Hà Nội lần thứ 13 được tổ chức ở Cung Đấu Xảo, Hà Nội.
Với mong muốn tái hiện lại những bức vẽ quảng cáo xưa về những thương hiệu nổi tiếng ở Hà Nội trước năm 1954 của họa sĩ Lemur Cát Tường, Dự án Vườn hoa Cửa Nam (Vườn hoa Lemur Cát Tường) với nhiều sáng tạo, ấp ủ của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn và họa sĩ Vũ Xuân Đông đã ra đời.
Văn hóa quảng cáo Hà Nội xưa được kể lại bằng chất liệu mới
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn và cộng sự mong muốn được đối thoại và gắn kết với những yếu tố văn hóa lịch sử cũng như địa điểm tại khu vực Vườn hoa Cửa Nam thông qua các tác phẩm nghệ thuật công cộng của Dự án.
Tác phẩm tranh tường trong Dự án Vườn hoa Cửa Nam đang được hoàn thiện.
Những bức tranh trang trí gợi lại không khí màu sắc quảng cáo thời đầu thế kỷ 20 khi những chiếc áo dài Lemur Cát Tường được họa sĩ thế hệ Đông Dương sáng tác.
Dự án nghệ thuật Vườn hoa Cửa Nam cũng vẽ lại bức tranh lụa “Chợ hoa Xuân” của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị với khổ lớn trên bức tường đối diện với ngôi nhà cổ của họa sĩ tại Cửa Nam, nơi ra đời bức tranh. Các mảng tường còn lại được vẽ tay tái hiện những bức tranh về hình ảnh hội chợ có bóng dáng áo dài; xe hơi Renault, Citroen từng sử dụng lốp xe Good year; nước khoáng Evian...
Họa sĩ Lương Xuân Nhị là một họa sĩ ủng hộ hết mình trong việc thúc đẩy phụ nữ Việt Nam mặc áo dài, mang lại giá trị bản sắc văn hóa cho người phụ nữ Việt và biểu tượng của văn hóa Việt. Họa sĩ Lương Xuân Nhị đã cùng các họa sĩ khác đưa hình ảnh áo dài vào các tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam như tranh lụa, tranh sơn mài.
Điểm nổi bật nữa trong Dự án Vườn hoa Cửa Nam là các tác phẩm sắp đặt những mô hình phụ nữ mặc áo dài tứ thân, áo dài ngũ thân của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn. Các tác phẩm này sẽ được bố trí xen kẽ trên thảm cỏ trong Vườn hoa.
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn bên tác phẩm của mình.
Mô hình các phụ nữ mặc áo dài tứ thân, áo dài ngũ thân là những mô hình sắp đặt bằng chất liệu inox gương, mô tả những người phụ nữ trong những chiếc áo yếm, những chiếc nón quai thao, nón ba tầm đang đi chợ gánh gồng buôn bán, đặt rải rác ở hai khu vực vườn hoa, xen lẫn trong các đám cỏ hoa được trồng trang trí.
Cụm tác phẩm này muốn gợi lại hình bóng những người phụ nữ Hà Nội xưa từng xuất hiện trên đường phố, mang lại nguồn sinh khí và năng lượng cho thành phố. Tác phẩm sẽ mang đến sức sống mới cho Vườn hoa Cửa Nam.
Tại khu vực vườn hoa nhỏ được bố trí một tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Vũ Xuân Đông với các trang trí họa tiết vân mây sóng nước, gợi lại hình dáng, ký ức về cổng thành Cửa Nam thuở xa xưa. Tác phẩm có tên gọi “Phảng phất Cửa Nam”. Tác phẩm điêu khắc này như một gạch nối kết nối lại với ký ức nơi chốn khi địa danh Cửa Nam xưa nay chỉ còn lại cái tên. Tác phẩm khơi gợi lại ký ức về cổng thành Cửa Nam - cổng thành kết nối các cửa ô của thành Hà Nội. Tác phẩm còn kết hợp với một số mô hình người lao động gánh rong buôn bán, tạo nên một không gian tương tác với người xem và du khách trải nghiệm.
Các tác phẩm nghệ thuật trong Dự án Vườn hoa Cửa Nam nhắc nhớ về lịch sử của một Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, thể hiện sự kết nối và viết tiếp với những giá trị sáng tạo mới mẻ thông qua bàn tay tài hoa của các họa sĩ.
Mô hình các phụ nữ mặc áo dài tứ thân, áo dài ngũ thân sắp đặt rải rác trên thảm cỏ trong Vườn hoa.
Các họa sĩ chọn cách đối thoại với những bức vẽ quảng cáo xưa, với văn hóa quảng cáo trên bức tường để tôn vinh thế hệ họa sĩ Đông Dương đầu tiên làm quảng cáo về mỹ thuật. Các tác phẩm cũng là một lời tri ân tới những họa sĩ thế hệ Đông Dương của Việt Nam đã tích cực góp phần sáng tạo và thúc đẩy tôn vinh văn hóa bản địa của Việt Nam.
Những nghệ sĩ với tình yêu Hà Nội sâu sắc, yêu những nét văn hóa truyền thống của Hà Nội xưa, đã bằng sự sáng tạo của mình để kể những câu chuyện về Thủ đô xưa qua các tác phẩm nghệ thuật với chất liệu mới mẻ, mang đến cho người dân và du khách những không gian trải nghiệm mới đầy thú vị, giàu ý nghĩa và phong phú hơn.
Những góc phố của Hà Nội sẽ càng đẹp hơn, càng lãng mạn hơn khi được khoác lên mình những sắc màu mới, sức sống mới đầy cuốn hút.
TƯỜNG VY
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/lan-gio-moi-cho-vuon-hoa-cua-nam-797344