Lần hiếm hoi Thượng tá, NSƯT Hương Giang kể về ông xã làm báo trên sóng VTV

Lần hiếm hoi Thượng tá, NSƯT Hương Giang kể về ông xã làm báo trên sóng VTV
6 giờ trướcBài gốc
Dòng máu nghệ thuật và hành trình không dễ dàng
Thượng tá, NSƯT Nguyễn Thị Hương Giang sinh ra tại Quỳnh Lưu, Nghệ An trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Cô là cháu ruột của nhạc sĩ An Thuyên và em gái NSND An Phúc.
Thượng tá Hương Giang
Ông bà nội Hương Giang lập gánh hát từ sớm phục vụ nhân dân và bộ đội. Nhận ra tài năng của cháu gái, nhạc sĩ An Thuyên đã động viên cô ra Hà Nội học thanh nhạc để theo đuổi con đường chuyên nghiệp.
Khi mới 21 tuổi, Hương Giang tình nguyện làm ca sĩ Đoàn nghệ thuật Quân khu 9. Sáu năm công tác tại đây và 7 năm ở Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã giúp cô tích lũy kinh nghiệm quý báu.
"Giảng dạy thanh nhạc, sợ nhất là thiếu trải nghiệm bởi kiến thức trong sách vở chỉ là một phần. Tôi may mắn trải qua nhiều môi trường nghệ thuật để tích lũy, học tập, đưa dữ liệu từ cuộc sống vào bài giảng cho học trò", Hương Giang tâm sự.
Năm 1998, cô xuất sắc đạt giải Nhì của Cuộc thi đơn ca Mùa xuân và người chiến sĩ với ca khúc Lời Bác dặn trước lúc đi xa. "Thời điểm còn bỡ ngỡ đó, tôi không đặt áp lực chuyện thi cử mà thể hiện bằng tấm lòng chân thành. Có lẽ những cảm xúc đó đã chạm đến được nhiều người", cô nhớ lại.
Bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Hương Giang là vai diễn nữ anh hùng Lê Thị Ràng (chị Sứ) trong vở kịch Hai người mẹ của nhạc sĩ An Thuyên cách đây 15 năm. "Ngày đó, tôi mới ngoài 30 tuổi, còn non về tuổi nghề. Trước khi đảm nhận vai diễn, nhiều người cho rằng tôi đang mặc chiếc áo quá rộng nhưng là người con miền Trung, tôi luôn tự dặn mình càng khó khăn càng phải nỗ lực vượt qua", Hương Giang chia sẻ.
Lan tỏa tình yêu âm nhạc cách mạng đến thế hệ trẻ
Với hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật, NSƯT Hương Giang không ngừng nỗ lực làm mới âm nhạc cách mạng và dân ca. Nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, cô đã giới thiệu album Bài ca thống nhất gồm 50 ca khúc như lời tri ân các anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng. Hương Giang cũng xuất bản cuốn sách Dạy học ca khúc mang âm hưởng dân ca cho sinh viên Thanh nhạc ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Không chỉ biểu diễn, cô còn đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật lớn. Đáng nhớ nhất là chương trình kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
NSƯT Hương Giang đang chuẩn bị ra mắt 3 MV mới với chủ đề người phụ nữ trong chiến tranh, ấp ủ dự án hát nhạc cách mạng và dân ca với khoảng 7 ca khúc bằng đệm guitar đơn giản.
Hạnh phúc bên chồng nhà báo
Nhà báo Vương Xuân Nguyên - chồng của NSƯT Hương Giang - đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của cô.
"Anh là nhà báo chính luận, cách nhìn và định hướng của anh giúp tôi rất yên tâm. Trong mọi chương trình, anh đều hỗ trợ tôi rất nhiều", Hương Giang tâm sự. Trong công việc, chồng luôn hỗ trợ nữ nghệ sĩ về mặt kịch bản, ý tưởng nghệ thuật và định hướng truyền thông.
NSƯT Hương Giang và chồng - nhà báo Vương Xuân Nguyên.
Mặc dù ban đầu nghĩ rằng người làm báo sẽ khó tính và khắt khe nhưng NSƯT Hương Giang ngạc nhiên khi thấy chồng rất nghệ sĩ, không khắt khe với cách ăn mặc của vợ, thích những điều mới mẻ và dễ tiếp cận với xu hướng hiện đại.
Chồng không chỉ hỗ trợ trong công việc mà còn là nguồn động lực để Hương Giang vượt qua áp lực. "Có lúc tôi hơi lười biếng nhưng anh luôn thúc giục, nhắc nhở. Tôi thấy rất hạnh phúc và có thêm năng lượng để làm việc", Hương Giang nói.
Hai vợ chồng cô đều là người thích làm việc, ngay cả lúc nghỉ ngơi. Khi có thời gian rảnh, NSƯT Hương Giang thích đánh đàn và hát tại nhà. "Không có thú vui gì nhiều, không thích đi du lịch, cũng không thích đi chơi, đi ăn nhiều. Nếu rảnh, tôi sẽ hát, đánh đàn, đó cũng là một cách giải trí mà tôi cảm thấy thích", cô chia sẻ. Còn chồng NSƯT Hương Giang luôn tận dụng thời gian để làm việc online một cách hiệu quả, ngay cả khi ngồi uống trà đá hay chờ vợ làm việc.
NSƯT Hương Giang nói về chồng trong chương trình "Lời tự sự":
Minh Nghĩa
Ảnh: Tư liệu
Clip: VTV
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chuyen-it-biet-ve-thuong-ta-nsut-huong-giang-va-ong-xa-lam-bao-2402140.html