Làn sóng đầu tư mới

Làn sóng đầu tư mới
5 giờ trướcBài gốc
Ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB (Singapore), cho biết từ năm 2011, UOB đã thành lập các trung tâm tư vấn đầu tư FDI để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hoạt động trong khu vực. UOB đã hỗ trợ khoảng 300 DN các nước mở rộng vào Việt Nam trong 5 năm qua. Theo đó, các DN này đã cam kết đầu tư khoảng 7,3 tỉ đô la Singapore cùng với kế hoạch tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động ở Việt Nam.
Lợi thế trong thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam, theo ông Wee Ee Cheong, đến từ vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn muốn đa dạng hóa hoạt động sản xuất trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và làn sóng "Trung Quốc+1".
Công ty TNHH Nghiên cứu Kỹ thuật R Việt Nam (vốn Nhật Bản) ở tỉnh Hòa Bình, thế mạnh sản xuất thấu kính quang học cao cấp dùng cho máy ảnh kỹ thuật số và các dụng cụ quang học Ảnh: Minh Chiến
Ông Jack Nguyễn, Tổng Giám đốc InCorp Việt Nam, đánh giá dòng vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, bất động sản và năng lượng. Trong đó, Singapore, Nhật Bản và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các DN Trung Quốc muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, với nhiều khu công nghiệp mới đang được phát triển.
"Chúng tôi nhận được yêu cầu tư vấn từ các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tại thị trường khu vực phía Bắc. Nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang chuyển đến Việt Nam để thiết lập chuỗi cung ứng của họ. Xu hướng xây dựng một khu công nghiệp quy mô lớn ngay ngoại ô thành phố hứa hẹn sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới" - ông Jack Nguyễn nói.
Còn theo ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital Việt Nam, Việt Nam đang dần dần nâng cao vị trí trên chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện tại, Việt Nam vẫn ở giai đoạn nhập khẩu các chi tiết sản xuất công nghiệp phức tạp và sử dụng lao động giá rẻ để lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, với sự gia tăng của FDI, Việt Nam đang học hỏi những kỹ thuật để tự sản xuất những sản phẩm phức tạp hơn, nắm bắt được nhiều giá trị hơn cho nền kinh tế nội địa. Con đường phát triển này tương tự như mô hình phát triển tại Đông Á được các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc theo đuổi. Đây là một chiến lược đã được chứng minh tính hiệu quả.
Thái Phương
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/lan-song-dau-tu-moi-196241004214449105.htm