Lan tỏa mô hình dân vận khéo ở vùng Công giáo

Lan tỏa mô hình dân vận khéo ở vùng Công giáo
2 giờ trướcBài gốc
Dẫn tôi đi trên con đường thôn trải bê tông sạch đẹp, đồng chí Thân Văn Vụ, Bí thư Chi bộ thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) nói: “Tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn đoàn kết, sống tốt đời đẹp đạo, cùng nhau phát triển kinh tế từ trồng hoa được thôn duy trì từ nhiều năm nay. Chi ủy, Tổ dân vận cộng đồng thôn luôn phối hợp chặt chẽ với Ban hành giáo, 6 tổ trưởng tổ liên gia, tổ an ninh trật tự để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hăng hái tham gia phát triển kinh tế”.
Duy trì tốt mối quan hệ đoàn kết lương- giáo, thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) đã thực hiện tốt mô hình dân vận khéo về phát triển kinh tế.
Thôn Cầu Chính có 137 hộ dân là người Công giáo, chiếm 57% dân số của thôn. Đa số các hộ làm nghề trồng đào (hơn 15 ha) và hoa lay ơn. Nhờ chăm chỉ, khéo tay trong tạo dáng cây nên đào thế đáp ứng thị hiếu khách hàng dịp Tết. Nhờ vậy đời sống người dân nâng lên, thôn không còn hộ nghèo. Nhiều năm nay thôn không có công dân vi phạm pháp luật, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nhân dân trong thôn đoàn kết, tích cực đóng góp xây dựng các thiết chế văn hóa, làm đường giao thông...
Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 giáo xứ, 78 họ đạo với khoảng 30 nghìn giáo dân sinh sống ở 77 xã, phường, thị trấn. Những năm qua, các cấp ủy trong tỉnh luôn quan tâm xây dựng các mô hình dân vận khéo ở những nơi có đồng bào Công giáo sinh sống. Qua thống kê, toàn tỉnh có gần 1.000 mô hình trong đồng bào Công giáo ở các lĩnh vực phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa. Tiêu biểu như mô hình “Xây dựng nếp sống văn hóa” ở thôn Thiết Nham, xã Minh Đức (Việt Yên); “Vận động làm đường giao thông nông thôn” ở thôn Đồng Công, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa)…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 giáo xứ, 78 họ đạo với khoảng 30 nghìn giáo dân sinh sống. Các địa phương đã xây dựng gần 1.000 mô hình dân vận khéo trong đồng bào Công giáo.
Với hơn 5 nghìn giáo dân, huyện Lạng Giang đang duy trì hiệu quả 110 mô hình dân vận khéo ở vùng đồng bào công giáo. Đồng chí Nguyễn Mạnh Mười, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy cho biết: Khi thực hiện các mô hình, cấp ủy thường xuyên chỉ đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ban hành giáo họ đạo trên địa bàn để cùng phối hợp tuyên truyền, vận động bà con giáo dân. Nổi bật như trong phong trào hiến đất làm đường, 2 năm qua, các giáo dân đã hiến hơn 2 nghìn m2 đất, hàng chục nghìn ngày công để xây dựng các công trình dân sinh.
Ở huyện Yên Thế, để thực hiện tốt các mô hình dân vận khéo phát triển kinh tế, các xã lồng ghép các dự án nhằm hỗ trợ vốn, cây, con giống, phân bón, phương tiện sản xuất và tổ chức các lớp dạy nghề sửa chữa cơ khí, làm mộc, chăn nuôi cho người lao động, trong đó có hộ là người Công giáo. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Công, giáo dân ở thôn Tân An, xã An Thượng, từ được hỗ trợ học nghề mộc anh mạnh dạn vay vốn để mở xưởng. Hiện xưởng mộc của anh thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 3 lao động tại địa phương với thu nhập ổn định
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh đã đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự phát triển KT- XH, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Bài, ảnh: Tuệ An
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/lan-toa-mo-hinh-dan-van-kheo-o-vung-cong-giao-145838.bbg