Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành của các bộ, ngành, phong trào khởi nghiệp ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, từ cấp học phổ thông đến bậc đại học.
Tiến sĩ Đặng Viết Quang và nhóm sinh viên thực hiện dự án "Sản xuất vật liệu composite từ nhựa tái chế và phế phẩm nông nghiệp" tại Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2025. (Ảnh: PHƯỚC AN)
Đến nay, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đã chủ động xây dựng mô hình vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và triển khai các dự án gắn với thực tiễn đổi mới sáng tạo.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường học
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, hơn 200 trường đại học, viện nghiên cứu và gần 300 cơ sở giáo dục đã tổ chức triển khai các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên đã được triển khai trong thực tiễn, bước đầu ghi nhận hiệu quả tích cực tại cộng đồng.
Một trong những mô hình tiêu biểu có thể kể đến là Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đại học Phenikaa. Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665), Đại học Phenikaa đã triển khai hàng loạt hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong toàn trường và mở rộng kết nối với các cơ sở giáo dục khác.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Đại học Phenikaa cho biết: Nhà trường chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên chủ động tiếp cận với hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp từ trong và ngoài trường học. Mô hình hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại Đại học Phenikaa được xây dựng bài bản, không chỉ tập trung vào kỹ năng và kiến thức, mà còn nuôi dưỡng tinh thần dám nghĩ, dám làm, thúc đẩy đổi mới từ gốc rễ tư duy.
Giai đoạn 2022-2024, nhà trường có hơn 5.000 lượt sinh viên tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo, 97 sinh viên được khen thưởng, cùng sự tham gia hỗ trợ, cố vấn của 269 giảng viên và 42 doanh nhân. Nhiều dự án tiêu biểu đã đạt được thành công bước đầu như PKA Green Device - giải pháp xử lý rác thông minh lọt tốp 10 cuộc thi quốc tế do Đại sứ quán Mỹ tổ chức; dự án Bộ kit thí nghiệm khoa học đã nhanh chóng chứng minh tiềm năng thương mại khi đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng chỉ trong tháng 11/2024, với hơn 1.000 đơn hàng được bán ra qua các sàn thương mại điện tử...
Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc hình thành mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngay trong trường học.
Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng được Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải tích cực triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và thực tiễn.
Tiến sĩ Đinh Quang Toàn, Viện trưởng Đổi mới sáng tạo và Kinh tế số của nhà trường cho biết: Trường tổ chức các hội thảo chuyên đề, tọa đàm, khóa huấn luyện chuyên sâu về tư duy khởi nghiệp, mô hình kinh doanh, gọi vốn... đồng thời lồng ghép nội dung khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy và hoạt động ngoại khóa. Nổi bật, trường đã xây dựng và đưa chuyên đề "Khởi nghiệp sáng tạo” vào học phần chính khóa bắt buộc môn học Kỹ năng mềm; triển khai học phần Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án học kỳ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trường phối hợp với doanh nghiệp và chuyên gia tổ chức hơn 20 khóa tập huấn kỹ năng khởi nghiệp mỗi năm, đồng thời duy trì cuộc thi "Sinh viên Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải với ý tưởng khởi nghiệp” nhằm khuyến khích sinh viên đề xuất và hiện thực hóa các ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Đến nay, hơn 50 ý tưởng khởi nghiệp đã được ươm tạo tại trường, trong đó có những dự án tiêu biểu như ứng dụng điều phối xe hợp đồng thông minh, mô hình giao hàng nội bộ bằng xe điện trong đô thị thông minh, hay chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo trong giao thông thông minh.
Từ mô hình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của Đại học Phenikaa đến những kinh nghiệm thực tiễn tại Trường đại học Công nghệ giao thông vận tải cho thấy, mỗi cơ sở giáo dục đều đang chủ động, sáng tạo trong cách tiếp cận và triển khai Đề án 1665, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững ngay trong nhà trường.
Tháo gỡ rào cản
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, theo Tiến sĩ Hoàng Kim Toản, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo (Đại học Huế), hoạt động này tại các trường đại học ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức, cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn và có giải pháp khắc phục phù hợp. Một trong những vấn đề đáng quan tâm là sự mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành trong quá trình đào tạo.
Nhiều chương trình giáo dục khởi nghiệp hiện vẫn thiên về truyền thụ kiến thức lý thuyết, trong khi các hoạt động trải nghiệm thực tế, thực hành kỹ năng còn hạn chế; sinh viên ít có cơ hội áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế. Mặt khác, nhiều trường đại học vẫn thiếu nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và không gian thực nghiệm phục vụ khởi nghiệp; thiếu quỹ đầu tư giai đoạn đầu. Đây cũng là rào cản lớn khiến sinh viên khó hiện thực hóa ý tưởng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang chủ động đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm khắc phục những mặt hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc. Giải pháp quan trọng đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tập trung tháo gỡ những khó khăn về thủ tục đầu tư, cơ chế thẩm định, xét duyệt và triển khai các dự án khởi nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nghiên cứu và ban hành một số cơ chế đặc thù để hỗ trợ triển khai, phát triển các dự án khởi nghiệp được ươm tạo từ các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là tại các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Đáng chú ý, Bộ sẽ phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng hỗ trợ thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp, không chỉ giúp các em tạo việc làm cho bản thân mà còn góp phần lan tỏa giá trị tích cực đến gia đình và cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi, khởi nghiệp không đơn thuần là một lựa chọn nghề nghiệp. Đó là cách mỗi học sinh, sinh viên học cách kiến tạo tương lai bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Triển khai từ năm 2017, Đề án 1665 đạt được nhiều kết quả tích cực. Nội dung về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã được tích hợp vào chương trình đào tạo của nhiều cấp học, nhất là các trường đại học và cao đẳng.
Hiện đã có hơn 120 cơ sở giáo dục đại học đưa môn học Khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, dưới hình thức bắt buộc hoặc tự chọn; hơn 65% địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông. Cùng với đó, khung chính sách ngày càng được hoàn thiện, tạo nên những đột phá quan trọng và hành lang pháp lý vững chãi chắc chắn sẽ tiếp tục chắp cánh cho hoạt động khởi nghiệp trong ngành giáo dục và đào tạo.
Theo Báo Nhân dân