Các võ sinh của Nghĩa Dũng Karate-do đồng diễn bài quyền tại Ngày hội Tinh hoa Võ Việt - Huế 2025
Bài học của lòng kiên trì
Theo võ sư Trương Thị Thiên Thư (môn phái Võ Kinh Vạn An), bài học đầu tiên của người học võ không phải là “đấm, đá” mà là cách đứng trang nghiêm trước bàn thờ tổ tiên võ học - giáo dưỡng về lòng biết ơn và tôn trọng nguồn cội. “Không dạy bạo lực, võ dạy làm chủ bản thân. Người giỏi võ là người chiến thắng được sự lười biếng, nóng giận trong chính mình. Mỗi thế võ cung đình Triều Nguyễn, mỗi bài quyền cổ truyền đều gắn liền với lịch sử chống giặc của cha ông. Học võ là học lịch sử qua chuyển động, là sống lại tinh thần thượng võ của dân tộc”, chị chia sẻ.
Không dừng lại trong nhà tập, nhiều võ đường tại Huế đang “hòa nhập” với cộng đồng, kết nối với các trung tâm bảo trợ trẻ em, nhận huấn luyện miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trẻ tự kỷ hay nghiện game. Võ sư Thiên Thư chia sẻ, mô hình hợp tác giữa Võ Kinh Vạn An và Trung tâm Bảo trợ trẻ em (số 45 Lê Viết Lượng) giúp các em tìm lại được sự tự tin và gắn bó cộng đồng. Với việc tổ chức các hoạt động thể thao cấp thành phố, cấp cơ sở, trong đó có môn võ thuật, giúp võ học dần trở thành một “thiết chế văn hóa” sống động, lan tỏa trong cộng đồng.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Giáo dục di sản tại Huế mới “trọng văn” mà chưa “trọng võ”. Chúng tôi sẽ xây dựng chương trình giáo dục võ học trong di sản, gắn với các địa điểm như Võ Miếu, Xiển Võ Từ..., biến những nơi này thành không gian biểu diễn võ thuật, giáo dục truyền thống và quảng bá văn hóa dân tộc”.
Võ học “lên đai” trong nhà trường
Tại Trường Tiểu học Lê Lợi (TP. Huế), việc giảng dạy võ thuật đã trở thành hoạt động thường kỳ từ năm 2015. Cô Lê Thị Ly Na, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Giáo dục thể chất, đạo đức và thẩm mỹ luôn là mục tiêu xuyên suốt trong chương trình học. Võ thuật đáp ứng đầy đủ các yếu tố đó, đồng thời giúp học sinh phát triển sự tự tin, tinh thần đồng đội, và khả năng kiểm soát cảm xúc”.
Vào mỗi chiều thứ Sáu, học sinh được chọn môn học yêu thích. Nhiều em chọn tập võ thay vì học tăng cường. Ngoài giờ học, các CLB võ thuật sinh hoạt đều đặn, tổ chức thi đấu, đồng diễn trong các dịp lễ hội. “Có thời điểm, CLB thu hút hơn 100 học sinh tham gia. Nhiều em ban đầu rụt rè, sau vài tháng luyện võ đã mạnh dạn, lễ phép và trưởng thành thấy rõ”, cô Na kể. Từ năm 2019, được Thành ủy Huế khuyến khích đưa võ học vào trường học, phong trào càng phát triển mạnh mẽ. Hiện, Trường Tiểu học Lê Lợi duy trì 2 CLB võ sinh với hơn 70 học sinh tham gia đều đặn.
Theo cô Na, việc dạy võ trong trường học vẫn còn không ít rào cản, như thiếu giáo viên thể chất có chuyên môn võ, thiếu không gian tập luyện, cơ sở vật chất chưa đủ… Do đó, cần sự phối hợp của các đơn vị quản lý giáo dục và võ đường để xây dựng chương trình võ học phù hợp với lứa tuổi, hỗ trợ tập huấn, chứng nhận giáo viên thể dục để có thể giảng dạy võ một cách an toàn, bài bản.
Võ sư Nguyễn Văn Dũng (Võ đường Nghĩa Dũng Karate-do) khẳng định: “Võ đường là môi trường giáo dục, không chỉ rèn thể chất mà còn nuôi dưỡng đạo đức, bản lĩnh sống cho giới trẻ. Trong xã hội ngày nay, khi các em dễ bị cuốn vào thế giới ảo, thiếu giao tiếp, ít vận động… thì võ học là “liều thuốc bổ” giúp các em sống thật, sống khỏe và sống có trách nhiệm”. Và, không quá khó hiểu khi nhiều võ đường hiện nay còn lồng ghép hoạt động ngoại khóa như dã ngoại, bảo vệ môi trường, tặng sách cho học sinh vùng cao..., qua đó giáo dục lòng nhân ái, tinh thần sẻ chia và kỹ năng sống.
Liên Minh