Lan tỏa tình yêu dành cho tiếng Việt

Lan tỏa tình yêu dành cho tiếng Việt
4 giờ trướcBài gốc
Với 11 tựa sách, bộ Tiếng Việt giàu đẹp của NXB Trẻ có sự đóng góp của các tác giả là nhà nghiên cứu ngôn ngữ và những người có nghề nghiệp liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa và viết lách trong nước. Dịp bộ sách vừa ra mắt hai tựa mới trong năm 2024 và tái bản trọn bộ các tựa đã phát hành, Nhà xuất bản tổ chức chương trình giao lưu, tọa đàm cùng 5 tác giả.
Năm tác giả trong lĩnh vực ngôn ngữ, giảng dạy và sáng tác trò chuyện trực tiếp cùng độc giả, gồm: GS.TS Nguyễn Đức Dân - tác giả của 4 tựa sách trong bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp: Nỗi oan thì, là mà, Từ câu sai đến câu hay, Triết lý tiếng Việt, Muôn màu lập luận; Phó GS.TS Trần Thị Ngọc Lang - tác giả của tựa sách Tiếng Việt Phương Nam, Phó GS.TS Trịnh Sâm - tác giả của tựa sách Đi tìm bản sắc tiếng Việt, tác giả Dương Thành Truyền - tựa sách Tình ca tiếng nước ta, nhà thơ Lê Minh Quốc - tác giả của tựa sách Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm.
"Cảm ơn tình yêu Tiếng Việt của các bạn đọc"
Với 4 tựa sách trong bộ Tiếng Việt giàu đẹp gồm: Nỗi oan thì, là mà, Từ câu sai đến câu hay, Triết lý tiếng Việt, Muôn màu lập luận, GS.TS Nguyễn Đức Dân cho biết: "Tôi cảm ơn NXB Trẻ đã cho ra đời bộ sách này. Tôi cảm ơn các bạn đọc đã quan tâm tới tiếng Việt. Tôi rất cảm ơn tình yêu tiếng Việt của các bạn".
GS.TS Nguyễn Đức Dân tại buổi giao lưu
GS.TS nhắc tới cuộc thi Vua tiếng Việt mà ông vừa xem trên truyền hình, với một thí sinh ở độ tuổi 20 nhưng đã đặc biệt yêu tiếng Việt, rất thích thú với từ đồng âm và những cách chơi chữ. Tôi rất mừng vì có nhiều bạn đọc trẻ hôm nay vẫn dành nhiều sự quan tâm tới tiếng Việt.
Nỗi oan thì, là mà là tác phẩm đã in lần thứ 4 của GS.TS Nguyễn Đức Dân. "Bài lủng củng, câu văn lắm thì, là, mà quá”. Phê thế đúng, nhưng thật ra cũng chỉ đúng một phần, bởi rất nhiều trường hợp không thể thay thì, là, mà bằng một từ nào khác được mà không làm câu văn mất đi vẻ sinh động, hoặc làm giảm hẳn nghĩa đi. Vậy cần minh oan cho chúng", tác giả nhận định.
Được biết, GS.TS Nguyễn Đức Dân trước khi trở thành một nhà ngôn ngữ học, ông là Tiến sĩ Toán học được đào tạo ở Ba Lan, và là một trong những người thầy có công lớn trong việc đào tạo những nhà toán học xuất sắc thế hệ đầu ở miền Bắc. Cũng nhờ thế ở lĩnh vực Việt ngữ học, GS Nguyễn Đức Dân đã tiếp cận trên những bình diện của nó bằng phương pháp và tư duy của một nhà ngôn ngữ học có nền tảng của tư duy toán học và logic học. Cho nên những kiến giải của GS về những hiện tượng trong ngôn ngữ nói chung và Việt ngữ học nói riêng luôn mang lại những kết quả thuyết phục.
Tác giả nữ duy nhất trong 5 tác giả giao lưu là PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang. Bà cũng là phu nhân của GS.TS Nguyễn Đức Dân. Với công trình Tiếng Việt Phương Nam, tác giả đã chỉ ra những đặc trưng khác biệt của phương ngữ Nam Bộ với tiếng toàn dân. Ở công trình này, bằng kinh nghiệm và tri thức ngữ âm học, tác giả đã vận dụng, kiến giải những nét đặc trưng cơ bản của Tiếng Việt phương Nam được hình thành trong hơn 300 năm khi có sự chuyển dịch cư dân từ vùng Ngũ Quảng vào Nam Bộ. Trong đó đặc biệt PGS Trần Thị Ngọc Lang cũng cho biết, trong vốn từ vựng của phương ngữ Nam Bộ đã dung hợp một số lượng các đơn vị có nguồn gốc từ tiếng Khmer, tiếng Hoa, tiếng Chăm mà đến nay người dân vẫn còn đang sử dụng phổ biến.
Nghiên cứu kỹ và quan sát liên tục quá trình tiếp xúc giữa các dân tộc trên vùng đất phương Nam, quá trình giao thoa văn hóa, ngôn ngữ đã tạo ra một bản sắc riêng biệt, đặc trưng hiếm có so với các phương ngữ khác. Trong bối cảnh đó, tiếng Sài Gòn là một phát hiện mới mẻ và độc đáo mà tác giả công trình đã mang lại cho người đọc. Một sự dung hợp kỳ lạ giữa người dân của các dân tộc cộng cư trên vùng đất này đã tạo ra một bức tranh ngôn ngữ hài hòa, đặc sắc, dung hợp giữa cái chung và cái riêng, ôm lấy tất cả những dị biệt để hòa thành một tổng thể trong tiếng Sài Gòn. Phải chăng, cũng như vậy mà vùng đất này luôn có một sự quảng đại để dung hòa những nét riêng biệt thành cái chung nhất.
Các tác giả tọa đàm tại chương trình
PGS Trần Thị Ngọc Lang là một nhà khoa học bình dị, lặng lẽ, từng có nhiều đóng góp trên lĩnh vực Việt ngữ học trong mấy chục năm qua, từ khi bà còn làm công tác nghiên cứu ở Viện Văn hóa vùng Nam Bộ và cho đến nay.
Với tác phẩm Tình ca tiếng nước ta, tác giả Dương Thành Truyền nói anh may mắn có được một thứ cảm xúc, có thể đặt tên là cảm - xúc - tiếng - nước - ta. "Cứ khi nào bắt được, gặp được, chạm được một lối ăn nói, một kiểu chơi chữ, một phương thức diễn đạt độc đáo, bất ngờ, thú vị, ấn tượng... thì vui, thì mừng, có khi sảng khoái, có khi sung sướng và xúc động nữa, hệt như những khoảnh khắc mà người ta thường gọi là tình yêu! Vậy nên khi xem, khi đọc, khi nghe từ sách báo đến phim ảnh, từ thông điệp truyền thông đến lời ăn tiếng nói thường ngày... đồng thời còn có cơ hội được thưởng thức vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt trong thực tế sử dụng và phát triển xưa nay. Sách này chính là những câu chuyện kể lại từ hành trình ngắm nhìn thế giới chữ nghĩa đã và đang đi cùng chúng ta mọi lúc mọi nơi. Hành trình này có thể nói là bất tận. Không chỉ những lúc ngồi bên trang giấy, trước màn hình, qua mạng xã hội; ngay trong lúc vừa đánh bài, chơi cầu lông, xem bóng đá, đi trên phố, bù khú với bạn bè... ai ai cũng có thể khám phá và tận hưởng. Và khi cùng chia sẻ những câu chuyện này, rốt lại mọi người sẽ thấy tràn ngập trong lòng mình một tình yêu sâu đậm dành cho tiếng mẹ đẻ - tiếng nói của quê hương, tiếng nói của dân tộc, tiếng nói của lịch sử!", tác giả Dương Thành Truyền chia sẻ.
Ca dao, tục ngữ là tài sản quý báu của Tiếng Việt
Trò chuyện về tiếng Việt, nhà thơ Lê Minh Quốc nhận định, cách diễn đạt của người Việt về một vấn đề nào đó, không "đóng khung" trong mỗi một từ cố định, mà có sự thay đổi phù hợp tùy vào đối tượng trong giao tiếp, tùy thái độ, tâm trạng của mình trong thời điểm đó.
Mặc dù trời mưa, đông đảo bạn đọc vẫn đến từ rất sớm để giao lưu với các tác giả
Vốn từ tiếng Việt có nhiều từ vay mượn. Một lẽ tất yếu như mọi dân tộc khác. Có một điều hết sức ngộ nghĩnh, dí dỏm là có những từ vay mượn được thể hiện bằng vài cách đọc khác nhau, hoặc từ vay mượn đó lại "bắc cầu" qua từ tiếng Việt để mang nghĩa khác... Nếu người Việt có câu cửa miệng "Nhập gia tùy tục" thì các từ ngoại nhập cũng chịu tác động này. Chính tiếng nói, chữ viết là tài sản vô giá của một dân tộc, khi vay mượn thêm vốn từ của dân tộc khác làm giàu cho tiếng Việt thì các từ đó cũng phải chấp nhận và chịu sự chi phối theo cách sử dụng của người Việt. Tôi đồ rằng ngay chính người "cho vay cũng khó có thể hiểu hết nghĩa vốn có của nó mà "người vay" đã vận dụng.
"Trong sự giao thoa với nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa khác nhau, tôi mường tượng tiếng Việt như con thuyền đang ra khơi, có lúc bình yên, có khi bão táp, có lúc hội nhập, có khi hòa tan nhưng rồi chúng ta vững tin, không bao giờ chệch hướng, bởi lẽ đã có "kim chỉ nam" định hướng cho hành trình tất yếu này. Kim chỉ nam đó là gì? Tôi luôn nghĩ đến tài sản quý báu bậc nhất mà cha ông ta đã phát huy, gìn giữ cho muôn đời sau chính là ca dao, tục ngữ, thành ngữ... Vì lẽ đó, trong tập sách này và các tập bàn về tiếng Việt, tôi luôn tự ý thức chọn làm văn liệu, ngữ liệu căn bản khi giải thích, tìm hiểu về một từ nào đó”, tác giả cuốn Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm chia sẻ.
Nhà thơ cũng cho rằng "những sự vật, sự việc cụ thể nào đó, nếu người Việt đã có vốn từ để diễn đạt đầy đủ, trong sáng, vậy hà cớ gì khi sử dụng chúng ta không dùng lấy nó mà phải vay mượn một ngoại ngữ nào khác? Cách sử dụng trái khoáy, "lai căng" này, không phải bây giờ mà trước đây cha ông ta đã chê bằng cụm từ "tiếng Việt ba rọi", "nửa nạc nửa mỡ"... Điều đáng tiếc nhất, khiến bản thân tôi cảm thấy âu lo vẫn là hiện nay đã xuất hiện một thứ "tiếng Việt méo mó”, "tiếng Việt dị dạng", "tiếng Việt nói ngọng"... Do người sử dụng không hiểu tiếng Việt? Không, họ hiểu tiếng Việt nhưng lại cố tình viết sai chính tả vì một lý do gì đó. Điều này hoàn toàn có thể kiểm chứng trên mạng xã hội, thí dụ "hay thặc", "nỗi bùn", "kon chuột", "pà con", "chuyện giè đó?", "bình lựng"... Thiết nghĩ, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, kể cả đổ xương máu chống lại âm mưu đồng hóa của ngoại xâm, ông bà ta chắt chiu, gìn giữ và trao lại cho thế hệ sau vô số hạt gạo ngon, gạo quý, lẽ nào ngày nay chúng ta lại nhẫn tâm ném vào đó cát, sạn như một cách giễu nhại, mua vui?", tác giả Lê Minh Quốc nhận định.
Bộ sách góp phần lý giải nhiều điều thú vị về ngôn ngữ tiếng Việt phong phú ở các vùng miền trên Tổ quốc, sử dụng những ví dụ gần gũi trong kho tàng tiếng Việt xưa và cả ngôn ngữ hiện đại ngày nay từ nhiều nguồn: ca dao, tục ngữ, báo chí, tác phẩm văn chương, lời bài hát, ngôn ngữ đời thường và cả ngôn ngữ mạng. Những năm qua, dự án sách này được sự đón nhận rộng rãi của bạn đọc, đa số các tựa đều tái bản, trong đó có tựa đã in lần thứ 9.
HOÀI GIANG - ANH TUẤN
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/lan-toa-tinh-yeu-danh-cho-tieng-viet_167635.html