Lan tỏa văn hóa đọc, khơi dậy tự hào dân tộc từ Cuộc thi giới thiệu sách.

Lan tỏa văn hóa đọc, khơi dậy tự hào dân tộc từ Cuộc thi giới thiệu sách.
3 giờ trướcBài gốc
Các đội thi dàn dựng công phu những phần thi của mình.
Diễn ra trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4, cuộc thi đã khéo léo kết nối văn hóa đọc với dòng chảy lịch sử dân tộc, để từ đó làm bật lên giá trị giáo dục, truyền thống trong mỗi tác phẩm được giới thiệu.
Những cuốn sách như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Ký ức thời trận mạc”, “Mùa hè cháy”, “Đại đội thanh niên xung phong 915 - Khúc tráng ca bất tử”, hay “Từ chiến trường Phnom Penh đến Đại thắng Mùa Xuân năm 1975”... được các đội thi khai thác sâu sắc, kết hợp trình bày sinh động, đã dẫn dắt người xem đi qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, làm sống dậy những hồi ức về một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Với sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức, các phần thi của 8 đội thi không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sách, mà còn là màn “kể chuyện bằng cả trái tim”. Từng đội thi đã thổi hồn vào tác phẩm thông qua lối dẫn dắt mạch lạc, cảm xúc; thông qua tiểu phẩm minh họa chân thực, sinh động; qua những giai điệu hào hùng, sâu lắng, giúp người xem không chỉ hiểu hơn về nội dung cuốn sách mà còn cảm nhận được chiều sâu tư tưởng, giá trị nhân văn và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Một trong những phần thi nổi bật và để lại nhiều ấn tượng nhất là phần dự thi của đội huyện Ba Bể, với tác phẩm “Từ chiến trường Phnom Penh đến Đại thắng Mùa Xuân năm 1975” của Đại tá Lường Văn Khoa.
Bằng giọng đọc truyền cảm, phong cách dẫn chuyện linh hoạt cùng sự hỗ trợ của các tiểu phẩm minh họa, đội Ba Bể đã tái hiện chân thực hành trình chiến đấu oanh liệt của quân tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Campuchia, đến những ngày cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Phần thi không chỉ gây xúc động mạnh mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về tinh thần chiến đấu, lòng quả cảm và sự hy sinh cao cả của những người lính năm xưa.
Giải Xuất sắc nhất là phần thưởng xứng đáng cho sự đầu tư, sáng tạo và tâm huyết của đội thi này.
Cuộc thi cũng là dịp để các địa phương giới thiệu hình ảnh con người, văn hóa, bản sắc của quê hương mình thông qua phần thi chào hỏi đầy màu sắc, đậm đà bản sắc vùng cao Bắc Kạn. Đây là cách tiếp cận thông minh và hiệu quả để văn hóa đọc không bị bó hẹp trong thư viện, lớp học mà lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng – nơi sách trở thành cầu nối giữa các thế hệ, giữa tri thức và thực tiễn cuộc sống.
Không chỉ dừng lại ở tính chuyên môn, sự kiện lần này còn mở ra không gian để văn hóa đọc được thể hiện dưới nhiều hình thức nghệ thuật hấp dẫn như ngâm thơ, hát, múa, tiểu phẩm sân khấu… Chính điều đó đã góp phần thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của công chúng và tạo nên một bức tranh sinh động về việc đọc sách trong đời sống hiện đại.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, khi nhiều người trẻ dễ bị cuốn theo các nền tảng giải trí nhanh, thì việc tổ chức một sân chơi ý nghĩa như thế này không chỉ làm sống lại giá trị của sách, mà còn khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa đọc trong việc hình thành tư duy, bồi đắp nhân cách và nuôi dưỡng khát vọng cống hiến ở thế hệ trẻ./.
Mộc Lan
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/lan-toa-van-hoa-doc-khoi-day-tu-hao-dan-toc-tu-cuoc-thi-gioi-thieu-sach-post70307.html