Sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu, chuyên gia và ngành giáo dục quận Nam Từ Liêm.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận và các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể của quận, Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao quận, các đồng chí lãnh đạo và công chức văn hóa-xã hội các phường; đại diện ban giám hiệu các nhà trường trên địa bàn; cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường Tiểu học Phú Đô - đại diện cho học sinh quận Nam Từ Liêm tham dự.
Buổi lễ là dịp tôn vinh giá trị của sách, đồng thời mở ra cơ hội quan trọng nhằm khơi dậy thói quen và niềm đam mê đọc sách trong học sinh, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học-lứa tuổi hình thành nền móng tư duy và nhân cách.
Đồng chí Bùi Ngọc Kính, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm phát biểu tại buổi lễ.
Trong phần phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bùi Ngọc Kính, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, nhấn mạnh: "Từ xa xưa, cha ông ta đã đúc kết: Ngọc chẳng mải không thành đồ quý. Người không học chẳng biết đạo lý làm người. Sách là ngọn đèn soi sáng trí tuệ, là người thầy thầm lặng mà uyên bác, là người bạn trung thành và bền bỉ nhất của mỗi chúng ta trong suốt cuộc đời.
Có lẽ không ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc từng khẳng định: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phục vụ đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại". Và con đường học ấy bắt đầu từ một cuốn sách mở ra, một đôi mắt đắm say và một trái tim rộng mở. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin bằng một cú click chuột. Nhưng không gì có thể thay thế được chiều sâu của một buổi đọc sách lặng lẽ, nơi con người kết nối với chính mình, lắng nghe tiếng nói của quá khứ, và mở ra cánh cửa tương lai".
Các em học sinh hưởng ứng sôi nổi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm chia sẻ: chúng ta đang sống trong thời đại "thông tin thì nhiều, nhưng sự thật thì ít; dữ liệu thì bủa vây, nhưng tri thức thì mong manh". Nếu không có bộ lọc tri thức sâu sắc được hình thành qua việc đọc sách có chọn lọc, mỗi học sinh của chúng ta rất dễ bị cuốn trôi trong "biển cả công nghệ" mà không có chiếc "phao tư duy".
Do đó, phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ có tính chiến lược quốc gia. Không có dân tộc nào vĩ đại mà lại thờ ơ với sách. Không có xã hội nào văn minh mà lại rời xa thói quen đọc. Một dân tộc biết đọc, là một dân tộc biết suy nghĩ. Một thế hệ biết đọc, là một thế hệ biết sáng tạo.
Nhà giáo Nguyễn Thị Lan Phương (bên trái), Hiệu trưởng trường tiểu học Phú Đô giao lưu cùng diễn giả và học sinh.
Những năm qua, quận Nam Từ Liêm đã tiên phong thực hiện nhiều mô hình xây dựng văn hóa đọc, như: "Mỗi tuần một cuốn sách-mỗi lớp một tủ sách", "Đọc sách đầu giờ-đọc sách không cần chấm điểm"; các ngày hội sách, tọa đàm với nhà văn, thi kể chuyện, vẽ tranh theo sách; xây dựng "Thư viện mở", "Thư viện xanh", "Tủ sách học đường dùng chung"... Năm nay, quận Nam Từ Liêm phát động rộng khắp mô hình: Mỗi ngày-một trang sách, mỗi lớp-một câu chuyện hay" để hình thành thói quen đọc sâu, đọc chủ động, đọc kết nối cộng đồng.
Phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ có tính chiến lược quốc gia. Không có dân tộc nào vĩ đại mà lại thờ ơ với sách. Không có xã hội nào văn minh mà lại rời xa thói quen đọc. Một dân tộc biết đọc, là một dân tộc biết suy nghĩ. Một thế hệ biết đọc, là một thế hệ biết sáng tạo.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm Bùi Ngọc Kính
"Hà Nội mười hai mùa hoa", tiết mục văn nghệ đặc sắc của các cô giáo Trường tiểu học Phú Đô.
Ngành giáo dục quận hy vọng, mỗi nhà trường hãy biến thư viện thành "trái tim văn hóa" của trường. Mỗi thầy, cô giáo hãy là người "truyền lửa đọc sách", khơi gợi cảm hứng và đồng hành cùng học sinh trên hành trình tri thức. Mỗi phụ huynh hãy dành thời gian đọc sách cùng con, bởi: Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, nhưng trẻ em không đọc sẽ là một thế giới lặng im và tăm tối. Hãy đọc sách bằng tất cả đam mê và khát vọng. Hãy để từng trang sách trở thành viên gạch xây dựng tương lai, từng dòng chữ trở thành ánh sáng soi đường em đi trên mọi nẻo hành trình cuộc sống.
Ngày Sách và Văn hóa đọc được tổ chức rất sinh động.
"Phát động phong trào đọc sách chính là chúng ta đang gieo hạt giống tương lai. Từ lễ phát động hôm nay, tôi tin rằng, những hạt mầm đọc sách sẽ lớn lên thành những cây cổ thụ tri thức, che mát cả cộng đồng", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm Bùi Ngọc Kính nhấn mạnh.
Trong phần phát biểu hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc của đại diện Trường tiểu học Phú Đô, nhà giáo Nguyễn Thị Lan Phương đã làm nổi bật vai trò của nhà trường trong việc đồng hành cùng các em học sinh trên hành trình tìm đến tri thức. Nhà trường cam kết sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động ý nghĩa để đưa sách đến gần hơn với học sinh.
Trong khuôn khổ sự kiện, Trường tiểu học Phú Đô cũng tạo nên dấu ấn đậm nét với chuỗi hoạt động ý nghĩa, sáng tạo, tiêu biểu là cuộc thi trưng bày, giới thiệu gian sách theo chủ đề và phần thuyết trình song ngữ (tiếng Việt-tiếng Anh) của chính các em học sinh.
Các em học sinh tự tin thuyết trình song ngữ Việt-Anh trong cuộc thi giới thiệu sách.
Tại sân trường, hàng loạt gian trưng bày sách đã được chuẩn bị chu đáo, đẹp mắt, đậm đà bản sắc dân tộc với đa dạng chủ đề. Mỗi gian sách vừa thể hiện tính thẩm mỹ, vừa chứa đựng thông điệp nhân văn, được thiết kế và trình bày bởi chính các em học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Hoạt động thuyết trình song ngữ tại gian sách đã trở thành điểm nhấn nổi bật, thể hiện sự tự tin, năng động và khả năng ngôn ngữ đáng khích lệ của học sinh Phú Đô. Các em giới thiệu về nội dung sách, lý do chọn chủ đề, lợi ích của việc đọc sách và khuyến khích bạn bè cùng tham gia đọc... tất cả được trình bày lưu loát bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, gây ấn tượng mạnh với đại biểu và khách mời.
Mỗi em học sinh đã trở thành một đại sứ lan tỏa văn hóa đọc.
Không khí quanh các gian sách luôn tấp nập với học sinh, giáo viên và phụ huynh đến tham quan, chụp ảnh, đọc sách và lắng nghe phần giới thiệu đầy sinh động từ các "đại sứ văn hóa đọc nhí". Đây thực sự là một không gian học tập trải nghiệm đúng nghĩa-nơi kiến thức được truyền tải một cách tự nhiên, gần gũi và hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Hiệu trưởng nhà trường-nhà giáo Nguyễn Thị Lan Phương, xúc động chia sẻ về niềm tự hào: "Nhà trường mong muốn tạo dựng được nền tảng văn hóa đọc lâu dài, truyền cảm hứng để học sinh cảm thấy đọc sách là một phần thú vị trong cuộc sống. Việc các em tự tin xây dựng không gian đọc sách, thuyết trình là minh chứng rõ nét cho sự lan tỏa và hiệu quả của phong trào đọc sách trong nhà trường. Các hoạt động bổ ích về văn hóa đọc khơi dậy tình yêu sách trong mỗi em học sinh, góp phần lan tỏa tinh thần học tập suốt đời, sự chủ động sáng tạo và lòng tự hào về văn hóa dân tộc trong một thế hệ trẻ đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới".
Nhiều phụ huynh có mặt trong chương trình cũng không khỏi xúc động khi chứng kiến con mình trưởng thành, tự tin chia sẻ trước đám đông bằng hai thứ tiếng.
Một điểm sáng đầy cuốn hút tại Lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 tại quận Nam Từ Liêm là phần giao lưu trực tiếp giữa học sinh với các diễn giả là nhà văn, nhà thơ, nhà ngôn ngữ học-đội ngũ đang cống hiến không ngừng nghỉ cho sự phát triển của văn hóa đọc và văn học thiếu nhi-đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới học sinh, mang lại không khí tương tác sôi nổi.
Các chuyên gia đã dành phần lớn thời lượng để trò chuyện trực tiếp với các em học sinh, giải đáp những thắc mắc, chia sẻ kinh nghiệm đọc sách, và thậm chí là "bật mí" cách mà một cuốn sách được ra đời từ cảm hứng đến ngòi bút.
Các phần quà ý nghĩa được Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo để trao cho học sinh.
Trong phần giao lưu năm nay, học sinh được chủ động đặt câu hỏi cho diễn giả, khách mời, giáo viên, thậm chí là bạn bè cùng trường. Điều này giúp các em phát huy tư duy phản biện, khả năng trình bày, mà còn thể hiện sự chủ động trong tiếp cận tri thức, tinh thần học tập cầu tiến.
Theo các chuyên gia giáo dục, lứa tuổi tiểu học là thời điểm vàng để hình thành thói quen đọc sách. Khi trí tò mò và sự hứng thú tìm hiểu thế giới chung quanh còn rất mạnh mẽ, những cuốn sách phù hợp sẽ trở thành người bạn đồng hành lý tưởng, giúp các em rèn luyện ngôn ngữ, phát triển tư duy và bồi dưỡng tâm hồn.
Không khí giao lưu còn lan tỏa tới cả các thầy cô giáo, đại biểu, khách mời. Chính sự tương tác đa chiều đã tạo nên một bầu không khí học tập cởi mở, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong buổi lễ. Từ đó, các em không chỉ được khuyến khích đọc sách mà còn thực sự trở thành chủ thể lan tỏa văn hóa đọc, tự tin nói lên suy nghĩ và cảm nhận của mình.
Theo các chuyên gia giáo dục, lứa tuổi tiểu học là thời điểm vàng để hình thành thói quen đọc sách. Khi trí tò mò và sự hứng thú tìm hiểu thế giới chung quanh còn rất mạnh mẽ, những cuốn sách phù hợp sẽ trở thành người bạn đồng hành lý tưởng, giúp các em rèn luyện ngôn ngữ, phát triển tư duy và bồi dưỡng tâm hồn.
Thực tế cho thấy, để học sinh yêu sách, việc xây dựng một không gian đọc sách thân thiện, hấp dẫn là yếu tố tiên quyết. Trong thời gian tới, ngành giáo dục quận Nam Từ Liêm sẽ triển khai nhiều chương trình giúp học sinh tăng thời gian tương tác với sách, cải thiện khả năng tập trung, sáng tạo.
Xây dựng thói quen đọc sách từ tuổi nhỏ không chỉ là nhiệm vụ giáo dục mà còn là một sứ mệnh xã hội. Để mỗi đứa trẻ đều lớn lên trong tình yêu với sách, cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và cộng đồng. Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 chính là một cột mốc quan trọng, nhắc nhở chúng ta rằng: đọc sách là quyền và cũng là trách nhiệm của mỗi công dân trong một xã hội học tập và đổi mới.
Thụy Phương