Làng cau Cao Nhân - Hải Phòng nhộn nhịp những ngày vào vụ

Làng cau Cao Nhân - Hải Phòng nhộn nhịp những ngày vào vụ
7 giờ trướcBài gốc
Đến xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng những ngày này đâu đâu cũng bắt gặp từng đoàn xe máy, xe ô tô vận chuyển cau từ các nơi đổ về các điểm thu mua. Tại các xưởng chế biến của làng cau Cao Nhân, người lao động hối hả bẻ, nhặt để kịp cho thương lái thu mua cau khô.
Ngay từ đầu làng những chuyến xe container thu mua cau tươi ở các tỉnh thành trong nước đổ về Cao Nhân đã xếp chờ xuống hàng
Cau tươi sẽ được cắt lấy quả từ buồng với thù lao 50 nghìn đồng/tạ quả tươi
Ông Bùi Văn Hồng (bên phải) xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên chia sẻ: "Đến nay tôi có tầm 15 năm gắn bó với việc thu mua cau tươi để về bán cho các xưởng sấy cau khô. Thời điểm này ngày nào cũng đi xe máy khắp địa phương ở Hải Phòng và Quảng ninh để mua cau tươi. Thu nhập tùy theo ngày, ngày mua được nhiều, ngày mua được ít. Đầu vụ giá cau tươi còn được trên 70 nghìn đồng/kg, giờ xuống còn 50 nghìn đồng/kg do phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc thu mua cau khô, nhiều xưởng thu mua còn tồn đọng nhiều hàng chưa xuất đi được"
Năm nay mùa cau cho thu hoạch sớm nên việc thu mua cau và chế biến cau khô cũng diễn ra sớm hơn mọi năm
Các xưởng sấy ca tươi ở làng cau Cao Nhân vào dịp này lúc nào cũng nhộn nhịp người cắt cau tươi
Cau tươi được cắt bỏ từ buồng sẽ được đưa vào lò hấp trong thời gian khoảng 45 phút
Cau hấp xong sẽ được chuyển sang các lò sấy bằng củi với thời gian sấy 5 ngày mới cho ra được 1 mẻ cau khô
Anh Đinh Văn Bắc quê Quảng Ngãi có 20 năm làm nghề sấy cau khô chia sẻ: "Cau tươi để sấy khô phải đủ độ tuổi, yêu cầu không già quá cũng không non quá. Cau già quá khi sấy sẽ bị phồng quả, còn non quá thì xẹp quả nên đòi hỏi người thu mua cau phải có kinh nghiệm. Sản phẩm cau khô chỉ để được 5 ngày phải xuất hàng đi, quá thời gian này sản phẩm sẽ bị mốc nếu không biết bảo quản"
Cau được sấy khô đưa ra lò sẽ đến công đoạn nhặt và phân loại
Từng quả cau khô sẽ được phận loại cụ thể
Những quả cau khô đạt tiêu chuẩn thì để riêng để thuận tiện cho việc thương lái thu mua
Cô Hoàng Thị Thúy (ở giữa) cho hay: "Tính đến nay, tôi gắn bó với việc phân loại cau khô đã 27 năm, thu nhập trung bình mỗi ngày là 300 nghìn đồng. Riêng cau trong nước chỉ làm được 3 – 5 tháng nên các chủ sấy phải thu mua cau tươi ở Thái Lan, Myanmar về. Các lò sấy cau ở Cao Nhân đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người từ mua bán, sấy, cắt quả, nhặt cau…"
Ông Tô Đình Cường, chủ cơ sở chế biến cau Cường Hường ở thôn 8, xã Cao Nhân cho biết: "Gia đình thu mua và chế biến cau tươi 30 năm nay rồi, chủ yếu sấy và bán cho các thương lái các nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ. Chúng tôi chỉ thu mua cau tươi về sấy đem bán nên giá thành bấp bênh phụ thuộc vào thương lái. Hiện tại các cơ sở sản xuất bị thương lái ép giá, nhiều hàng còn chưa xuất đi được"
Thống kê của UBND xã Cao Nhân cho thấy, xã hiện có 37 xưởng chế biến cau khô giúp hơn 1.000 lao động trong và ngoài xã có việc làm ổn định, với thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng. Chưa kể, khoảng 3 năm trở lại đây, hơn 1.000 hộ của xã Cao Nhân trồng cau trở lại với tổng diện tích hơn 65ha
Dù được công nhận làng nghề trồng và chế biến cau từ năm 2007, nhưng đến nay TP Hải Phòng chưa có chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với làng cau Cao Nhân, các hoạt động chủ yếu tự phát trong các hộ làm nghề
V. Hùng
Nguồn Gia Đình VN : https://giadinhonline.vn/lang-cau-cao-nhan--hai-phong-nhon-nhip-nhung-ngay-vao-vu-d202409.html