Làng Kim Liên với nghề truyền thống cắt tóc hằng trăm năm. (Ảnh: Lê Quỳnh Anh)
Hàng trăm năm nay, làng Kim Liên (phường Phương Liên, Đống Đa) nổi tiếng với nghề “vít đầu thiên hạ”, sở hữu nhiều thợ cắt tóc nức tiếng với danh xưng “Thăng Long đệ nhất kéo."
Trăm năm “vít đầu thiên hạ”
Từ thời Lê Sơ, người dân làng Kim Liên chủ yếu làm nghề trồng lúa nước, nghề nuôi thả cá, chài lưới, chăn nuôi gia súc, gia cầm, dệt, nhuộm vải, nề, mộc… chứ chưa có làng nghề cắt tóc như hiện nay.
Tương truyền, khi cụ Tả Ao – vị thầy địa lý nổi danh một thời – đi qua giếng đình làng Kim Liên, cụ dừng lại hỏi dân làng muốn theo nghề gì để cụ trấn yểm cho phát đạt. Người làng bộc bạch ước nguyện: muốn làm nghề “đè đầu vít cổ thiên hạ.” Nghe vậy, cụ Tả Ao để lại một bài trấn yểm khắc trên một phiến đá, mang ý nghĩa khai nghề.
Bài trấn yểm ấy được tạm dịch như sau:
“Giang sơn một chắp gương, lược, dao.
Chơi ngông gọt gáy khách anh hào.
Dẫu thánh tướng nào ta cũng mặc,
Vít cổ vua xoay chẳng sợ nào.”
Từ đó, nghề cạo tóc bén rễ nơi đây. Trai làng Kim Liên tay xách hòm đồ nghề, rong ruổi khắp chốn kinh kỳ, hành nghề thợ cạo, lấy ráy tai, trở thành một hình ảnh quen thuộc của đất Hà Thành xưa.
Hình ảnh trai làng Kim Liên rong ruổi hành nghề thợ cạo khắp chốn kinh kỳ trở thành hình ảnh quen thuộc của đất Hà Thành xưa. (Ảnh: NVCC)
Trước cách mạng tháng Tám, trai làng Kim Liên hành nghề thợ cạo bởi khi đó nam giới thường để kiểu tóc búi tó củ hành, trẻ em thường để kiểu đầu chỏm trái đào.
Tuy nhiên, đến giai đoạn Pháp thuộc, kiểu tóc đã có sự thay đổi lớn. Thợ cạo làng Kim Liên đã có thể thực hiện các kiểu tóc du nhập từ Pháp cùng các dụng cụ hành nghề hiện đại như tông đơ, kéo, dao cạo.
Cũng từ đó nghề cắt tóc, cạo râu được người dân làng Kim Liên "cha truyền con nối."
Người thợ làng nghề còn từng được vua Bảo Đại mời vào cung cắt tóc. Khi ấy có đến 70% người làm nghề, nhiều gia đình có đến 3-4 thế hệ.
Theo cụ Phạm Duy Cốc, 83 tuổi, nghệ nhân lớn tuổi nhất của làng cắt tóc Kim Liên, hành nghề thợ cạo cũng không quá phức tạp, không phải đầu tư nhiều vốn, đồ nghề đơn giản: “Từ xưa bộ đồ nghề của trai làng Kim Làng chỉ gồm một hòm đồ nhỏ bằng gỗ hình vuông hoặc hình chữ nhật cao, dài, rộng khoảng từ 35- 40cm, trong đó chứa đủ bộ lệ, gồm: gương, lược, dao, kéo, các đồ lấy dáy tai... còn chiếc hòm kiêm luôn làm ghế cho khách ngồi.”
Bộ lệ hành nghề cạo đầu, cắt tóc của người làng Kim Liên được lưu truyền đến ngày nay. (Ảnh: NVCC).
Kỹ nghệ cắt tóc của người làng Kim Liên cũng mang nét riêng không lẫn vào đâu được.
Nghệ nhân Trịnh Hữu Lợi - người đã theo nghề từ năm 14 tuổi - chia sẻ rằng để hoàn thiện một kiểu tóc, thợ làng Kim Liên thường mất ít nhất 30 phút.
Với đôi tay khéo léo và sự tỉ mỉ trong từng đường kéo, họ tạo nên những mái tóc gọn gàng, chỉnh chu. Điều đặc biệt là mức giá cho một lần cắt tóc chỉ tương đương với một bát phở hay một cân gạo - nhưng khách hàng lại nhận về một kiểu tóc được trau chuốt bằng cả tâm huyết và kinh nghiệm truyền đời.
Cũng chính nhờ kỹ nghệ điêu luyện và truyền thống lâu đời, những thợ cắt tóc có tay nghề cao, được mến mộ trên khắp cả nước, phần lớn đều xuất thân từ làng Kim Liên.
Từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Sài Gòn… đâu đâu cũng có dấu ấn của những “tay kéo vàng” mang dòng dõi làng nghề cắt tóc Kim Liên.
Giữ lửa nghề xưa giữa lòng đô thị
Ông Phạm Duy Hào, chủ tịch Hội làng nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên, cũng là nghệ nhân cắt tóc đầu tiên được công nhận, cho biết nghề tóc của làng Kim Liên từng trải qua không ít thăng trầm, có thời kỳ tưởng chừng mai một giữa dòng chảy đổi thay của xã hội. Tuy nhiên, sau công cuộc đổi mới vào khoảng năm 1986, nghề tóc dần hồi sinh, được người làng gìn giữ và truyền lại.
Đến năm 2005, phường Kim Liên chính thức phục hồi làng nghề truyền thống cắt tóc, đồng thời khởi xướng lễ giỗ Tổ hàng năm vào ngày 15-16/3 âm lịch - như một cách tri ân những bậc tiền nhân khai nghề và tiếp nối mạch nguồn di sản cha ông để lại.
Vào 15-16/3 âm lịch hằng năm, Làng nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên tổ chức lễ giỗ Tổ nghề, đồng thời cắt tóc miễn phí cho người dân địa phương và du khách thập phương. (Ảnh: Lê Quỳnh Anh)
Ngoài ra, các nghệ nhân làng Kim Liên không chỉ giữ gìn nghề tổ bằng đôi tay khéo léo, mà còn lan tỏa giá trị nhân văn của nghề thông qua nhiều hoạt động thiện nguyện.
Vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hằng năm, làng nghề tổ chức các buổi cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ. Đều đặn hai tháng một lần, những buổi cắt tóc “0 đồng” lại được tổ chức tại các bệnh viện - nơi những tay kéo làng nghề tận tình phục vụ y bác sĩ và bệnh nhân như một lời tri ân, sẻ chia từ mái tóc.
Năm 2020, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã công nhận Hội làng nghề Kim Liên là làng nghề cắt tóc truyền thống.
Ông Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đánh giá cao giá trị văn hóa và vai trò lịch sử của nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên.
“Làng nghề tóc Kim Liên có bề dày lịch sử, là nơi khai sinh nghề cắt tóc truyền thống - một làng nghề độc đáo của Việt Nam với sản phẩm phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa. Những năm qua, làng nghề cũng đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc bảo tồn và phát triển, như tập hợp các nghệ nhân đang hành nghề trên cả nước, tổ chức lễ giỗ Tổ hằng năm để tri ân tiền nhân và gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc,” ông Trịnh Quốc Đạt cho biết.
Hiện nay, làng nghề truyền thống tóc Kim Liên vẫn giữ được lửa nghề với khoảng 40 người đang theo đuổi công việc cắt tóc, trong đó có 9 nghệ nhân đã được Nhà nước công nhận.
Qua từng thế hệ, người dân Kim Liên vẫn miệt mài gìn giữ tinh hoa nghề tổ, không chỉ làm đẹp cho nhân dân, mà còn góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp văn hóa cho mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến./.
(Vietnam+)