Làng H'Mông ở Nam Giang

Làng H'Mông ở Nam Giang
5 giờ trướcBài gốc
Phụ nữ làng H’Mông ở thôn Nam Giang chăm sóc vườn đậu của gia đình. Ảnh: HOÀNG HÀ THẾ
Năm 2009, 11 hộ gia đình H’Mông với hơn 50 người lớn và trẻ em ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang di cư vào Phú Yên tìm kiếm cuộc sống mới. Thời gian đầu lập nghiệp với nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của chính quyền các cấp, đời sống người dân nơi đây ngày càng khởi sắc.
Hành trình đến vùng đất mới
Trong cái nắng đầu hạ ở vùng núi Sơn Giang, tôi theo chân ông Chu Văn Điệp, Trưởng thôn Nam Giang (xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh) tìm hiểu cuộc sống của làng H’Mông nơi đây. Dọc quốc lộ 29 rẽ vào khu định cư của 35 hộ người H’Mông, đường được trải bê tông dài gần 1km cùng với hệ thống điện ba pha được Nhà nước đầu tư cuối năm 2012. Nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang trên diện tích đất bằng phẳng hơn 5.000m2, nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày đều sử dụng mô tơ điện để bơm từ giếng đào hoặc giếng khoan. Đi quanh khu vực, hầu như nhà nào cũng có ti vi, xe máy, góc nhà chất vài chục bao lúa, đàn gà bản địa của người H’Mông… Chúng tôi cảm nhận sức sống mới bền vững đang hiện hữu nơi đây.
Ông Ma Seo Ký (72 tuổi), người cao tuổi nhất làng và cũng là người có mặt từ những ngày đầu khi làng người H’Mông thành lập, bằng chất giọng Kinh lơ lớ, kể lại: “Năm 2009, gia đình tôi cùng 10 gia đình người H’Mông khác (có cả trẻ em) từ các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang di cư tự do vào Phú Yên, định cư tại dốc Phường (nay là xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa). Đây là khu vực quy hoạch rừng phòng hộ đầu nguồn không cho phép dân cư xây dựng nhà ở, nên chúng tôi phải sống tạm bợ và biệt lập trên núi cao. Ban ngày, chúng tôi đi nạo sắn, chặt mía thuê, tối về nhìn khắp nơi, chỗ nào cũng tối như mực”.
Với sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự nỗ lực của chính người dân H’Mông, hy vọng trong tương lai không xa, nơi đây sẽ ngày càng phát triển, trở thành điểm sáng trong cộng đồng các DTTS ở Phú Yên.
Theo ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, vào thời điểm đó, nhằm ổn định cuộc sống và đảm bảo an ninh nông thôn trên địa bàn huyện, ngày 12/8/2012, UBND tỉnh có Quyết định 1176/QĐ-UBND phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp nơi ở cho 11 hộ đồng bào dân tộc H’Mông di cư tự do từ dốc Phường đến khu dân cư thôn Nam Giang, xã Sơn Giang. Ngoài việc di dời về nơi ở mới, mỗi hộ được hỗ trợ 8 triệu đồng và 500m2 đất xây dựng nhà ở”.
Ông Phạm Quốc Thông, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Giang, chia sẻ: “Cái khó lúc đó là bà con người H’Mông khi di dân tự do vào đây thường tìm đến vùng núi cao để cư ngụ, con em của họ vì thế mà không được học hành. Tuy nhiên, nhờ những cố gắng của Đảng và chính quyền địa phương, không những số hộ dân này được định canh định cư ở nơi ở mới mà phần lớn con em của họ cũng được đến trường để học chữ và người dân làng H’Mông ở thôn Nam Giang được hưởng phúc lợi xã hội như người dân nơi khác”.
Khởi sắc trên vùng đất mới
Hiện nay, 35 gia đình người H’Mông đã an cư tại thôn Nam Giang, trẻ em các cấp được đến trường với chế độ ưu đãi, nhiều em đang học lớp cuối cấp THPT với ước mơ học đại học để lập nghiệp trong tương lai. Người làng H’Mông nơi đây không chỉ giữ gìn văn hóa truyền thống mà còn dần thích nghi với cuộc sống hiện đại. Một số gia đình đã thử nghiệm mô hình nông nghiệp sạch, trồng rau hữu cơ, nuôi gà thả vườn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, khu sản xuất Chu Sinh ở phía Nam của thôn Nam Giang nay đã có cầu bê tông bắc qua. Ông Chu Văn Điệp cho hay: “Lâu nay người dân đi làm phải lội qua suối Beo để vào khu sản xuất Chu Sinh, nay nhờ có các hộ người H’Mông đến định cư và sản xuất nên bà con trong thôn được hưởng lợi từ cầu Suối Beo”.
Vợ chồng anh Hồng Văn Vành (37 tuổi) và chị Lý Thị Sía (35 tuổi), quê gốc ở thôn Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Anh chị theo cha mẹ vào đây ngay từ đầu, nay đã lập gia đình riêng. Chị Lý Thị Sía bộc bạch: “Gia đình tôi có 3ha đồi trồng keo lá tràm và 2 sào ruộng lúa nước. Thu nhập ổn định giúp vợ chồng có điều kiện lo cho 3 đứa con”.
Với sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự nỗ lực của chính người dân H’Mông, hy vọng trong tương lai không xa, nơi đây sẽ ngày càng phát triển, trở thành điểm sáng trong cộng đồng các DTTS ở Phú Yên.
HOÀNG HÀ THẾ
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/xa-hoi/202505/lang-hmong-o-nam-giang-1a511de/