Làng hoa giấy Phù Đổng kiên trì vươn mình sau bão số 3

Làng hoa giấy Phù Đổng kiên trì vươn mình sau bão số 3
3 giờ trướcBài gốc
Sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi và thừa hưởng phù sa của sông Đuống nên đất đai ở xã Phù Đổng quanh năm tươi tốt. Chính vì thế mà các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây rất phát triển. Đặc biệt, thôn Phù Đổng 1, Phù Đổng 2, Phù Đổng 3 là những ngôi làng nổi tiếng với nghề trồng hoa giấy, từ các giống hoa giấy nội địa với kiểu dáng đơn giản đến các loại hoa giấy được lai tạo và uốn ghép thành nhiều kiểu dáng khác nhau.
Cũng giống như nhiều làng nghề trồng cây khác trong địa bàn thành phố Hà Nội, siêu bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã khiến hàng nghìn gốc hoa giấy ở xã Phù Đổng bị thối rễ, chết rũ do ngập nước trong thời gian dài. Nhiều vườn cây xơ xác, phủ kín một màu nâu. Thế nhưng, với tinh thần lạc quan, các hộ gia đình trồng hoa giấy đang nỗ lực khắc phục những thiệt hại do bão số 3 gây ra và kiên trì hồi sinh những cây còn bám trụ.
Đến các vườn cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng những ngày này, bạn sẽ nhận thấy gương mặt của những người làm vườn vẫn còn phảng phất nét buồn khi thành quả chăm bẵm bao lâu nay đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ. Tuy nhiên, những câu chuyện mà họ kể lại vẫn tràn ngập sự lạc quan, niềm tin vào một ngày không xa, các khu vườn nơi đây sẽ lại ngập tràn sắc xanh của cây, rực rỡ sắc màu của hoa. Trên các vườn, các mầm xanh đã nhú, một số cây hoa cũng đã nở rộ, khoe sắc. Người dân đang hối hả chuẩn bị làm đất, ươm mầm, tưới tắm với hy vọng sớm hồi sinh mảnh đất này.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã ghi lại một số hình ảnh, những câu chuyện của người dân làng nghề trồng hoa giấy Phù Đổng:
Chú Đào Công Hoan (thôn Phù Đổng 2, xã Phù Đổng) là một trong những hộ dân chịu thiệt hại nặng sau lũ do không kịp sơ tán vườn cây của mình. Trong vườn, đa số cây đã héo khô và không còn có khả năng phục hồi, ước tính thiệt hại hơn 300 triệu đồng.
Thế nhưng, ở một góc vườn, nhiều cây đã đâm chồi, nở hoa. Hy vọng rằng, vào một ngày không xa, sắc hoa sẽ lại bao phủ khu vườn này.
Theo chủ các nhà vườn ở đây, dù đã chuẩn bị tâm thế và huy động nhân lực để di dời các chậu cây từ sớm, nhưng vì nước lũ dâng lên quá nhanh, họ vẫn không thể cứu được hết những “đứa con tinh thần” của mình. Bất lực nhìn hàng nghìn gốc hoa gần đến ngày xuất bán chìm nghỉm trong nước, người dân không khỏi tiếc nuối, xót xa. Người mất ít thì vài chục triệu, người nặng hơn thì hơn mấy trăm triệu đồng.
Chị Đặng Thị Dung, chủ nhà vườn Đỗ Dung ở thôn Phù Đổng 2, kể rằng, gia đình chị là một trong số ít gia đình may mắn “cứu” được 1/3 chậu hoa nhờ "liều" chạy lũ. Ngay sau khi nước rút, gác lại sự tiếc nuối, vợ chồng chị bắt tay vào dọn dẹp. Gia đình chị đã chuyển những chậu cây từ các khu vườn không bị ngập để lấp đầy khu vườn vừa tan hoang do lũ. “Nhìn thấy màu xanh của cây, lá, màu của hoa, tâm trạng của vợ chồng tôi mới phấn chấn lại được”, chị Dung chia sẻ.
Với những gốc cây bị chết do ngập nước trong thời gian dài, vợ chồng chị đã cắt phần cành còn sống phía trên để giâm, hy vọng rằng sẽ hồi sinh “những đứa con tinh thần” của mình.
Theo chị Dung, nhúng cành vào dung dịch để kích thích cành giâm dễ ra rễ hơn. Những cành ra rễ phải mất hơn 2 năm mới có thể đem bán trên thị trường.
Chị Dung cũng tâm sự, gia đình đang nỗ lực hết mình để khắc phục hậu quả, nhưng về lâu dài, chị cũng như các hộ trồng cây cảnh, hoa giấy ở Phù Đổng đều mong muốn nhận sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương.
Không chỉ hoa giấy, những chậu cây bonsai, dù được đặt trên cao, nước lũ cũng tìm đến. Chồng chị Ngô Thị Phương, chủ nhà vườn Hạnh Phương, không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại cảnh hàng trăm gốc cây cảnh, có giá trị từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng, của gia đình mình chìm trong biển nước.
Theo chồng chị Phương, sẽ phải mất khoảng nửa năm nữa, những cây rụng hết lá do nước lũ mới có thể hồi sinh. Tuy nhiên, anh vẫn thấy vui bởi những mầm xanh đang dần đâm chồi, báo hiệu những điều tốt đẹp phía trước.
Những cây hoa giấy còn bám trụ sau cơn bão giờ đang nở rộ dưới nắng.
Phù Đổng, từ một vùng đất chỉ có vài hộ gia đình trồng hoa giấy, nay đã vươn mình trở thành một làng nghề giàu lên nhờ trồng loại hoa này. Điều này không chỉ góp phần tô đẹp cảnh quan nơi đây mà còn giúp nâng cao đời sống kinh tế của người dân cũng như thúc đẩy phát triển bền vững cho địa phương.
TRẦN HOÀI - QUỲNH OANH (thực hiện)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/lang-hoa-giay-phu-dong-kien-tri-vuon-minh-sau-bao-so-3-797690