Ông Nguyễn Văn Tao.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tao và bà Nguyễn Thị Sức (cùng sinh năm 1958), ở làng chài Thủy Long, xã Lam Sơn, mà chúng tôi gặp hôm ấy là thế hệ cuối cùng còn bám trụ lại trên sông. Dáng người nhỏ thó, gầy gò, làn da sạm nắng, gương mặt khắc khổ như minh chứng cho một đời lam lũ của ông Tao.
Ông kể: "Hai vợ chồng cũng đã được xét cho suất tái định cư lên cạn, nhưng rồi nhường lại cho em gái. Anh em trong nhà, thấy nó cực hơn mình thì mình nhường. Với lại, ở sông nước quen rồi, bỏ cũng chẳng đành!".
Vợ chồng ông Tao có sáu người con, đều đã lên cạn có cuộc sống ổn định. Trong đó, gia đình con cả và con út vẫn còn bám nghề nuôi cá. Ông Tao chỉ tay về phía những ô lồng, nói: “Ba lồng kia của nhà thằng cả, hai lồng bên cạnh là của thằng út, còn một cái ở mạn trái thuyền là của vợ chồng tôi”.
Công việc hàng ngày của hai ông bà là cho cá ăn, theo dõi nguồn nước, nếu nước ô nhiễm, đổi màu, thì sẵn sàng hô hoán để bà con kịp di dời.
Ông Tao thở dài: "Trước kia sông sạch, cá tôm nhiều vô kể. Giờ thì nhà máy, cơ sở sản xuất phía thượng nguồn mọc lên như nấm. Họ có xử lý nước trước khi xả ra sông theo quy định, nhưng liệu có tuyệt đối được không, minh chứng là cá vẫn chết đấy".
Vợ chồng ông Tao.
Như không muốn nói thêm, vì đó là chuyện của cơ quan chức năng và ý thức của các nhà máy, ông Tao lại lúi cúi ôm vác cỏ vừa thả vào ô lồng, vừa tỉ tê: "Ở đây bà con chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, cá rô phi, diêu hồng. Mấy loại này có sức đề kháng cao, chịu được nước kém. Mà cũng đâu có gì nhiều. Nuôi mấy lồng cá, mỗi lần bán được giá thì có đôi ba chục triệu, lấy đó mà sống, lo thuốc men, cơm nước hằng ngày thôi".
Bữa cơm của ông bà cũng đạm bạc, chỉ vài con cá nhỏ tự thả lưới bắt dưới sông. "Cá nuôi thì để bán, cá ăn thì tự kiếm. May là còn sức khỏe, còn chèo chống được. Con cái giờ có cuộc sống riêng, mình không phiền tụi nó", bà Sức cười nói.
Khúc sông Chu nơi làng chài Thủy Long bám trụ với nghề nuôi cá lồng.
Không phải ai ở làng chài cũng chọn bám trụ với sông nước như vợ chồng ông Tao. Có những người từng rời bỏ mái thuyền, đi khắp nơi kiếm sống, rồi lại trở về với sông nước, như ông Nguyễn Văn Tâm. "Trước kia tôi cũng đi phụ hồ, chở hàng, chạy chợ... đủ nghề nhưng không quen. Cuối năm 2010, tôi lại xuống thuyền... nuôi cá", ông Tâm cho hay.
Không chỉ ông, cả 4 người con giờ cũng theo nghề, kết lồng bè, nuôi cá trên sông. Tuy nhiên, để bám nghề thì còn nhiều trăn trở: "Nuôi thì dễ, bán mới khó. Mạnh ai nấy làm, không ai đứng ra hướng dẫn hay liên kết. Có bận, cá đến kỳ thu hoạch mà không bán được, đem ra chợ thì bị ép giá. Kể ra, nếu bà con vạn chài được tập huấn kỹ thuật, có đơn vị liên kết tiêu thụ và nguồn nước được đảm bảo thì cái nghề sông nước vẫn còn hấp dẫn".
Cuối buổi trò chuyện, ông Tâm lặng người nhìn về phía xa, nơi khu tái định cư của bà con làng chài, ở đó có mấy cháu của ông đang chơi đùa trên nền đất. Thấy tụi nhỏ chạy nhảy, lòng ông cũng yên tâm. "Đời các cháu nó sẽ khác, phải khá hơn đời mình. Còn chúng tôi, ở lại... cũng chỉ để giữ chút gì đó của ký ức", ông thủ thỉ kỳ vọng.
Trong nhịp sống hối hả hôm nay, vợ chồng ông Tao, ông Tâm vẫn âm thầm ở lại bên khúc sông xưa, như dấu lặng cuối cùng của một thời sông nước.
Đình Giang