LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: Hướng đến đô thị sinh thái bền vững

LẮNG NGHE NGƯỜI DÂN HIẾN KẾ: Hướng đến đô thị sinh thái bền vững
8 giờ trướcBài gốc
Việc sáp nhập TP HCM với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ hình thành một siêu đô thị tầm vóc quốc tế tại vùng Đông Nam Bộ, với diện tích khoảng 6.772 km² và dân số hơn 13,7 triệu người.
Cơ hội từ sáp nhập và liên kết vùng
TP HCM mới với quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, có đặc điểm địa lý và kinh tế đa dạng: TP HCM hiện hữu là trung tâm tài chính, dịch vụ; Bình Dương nổi bật với công nghiệp và logistics; Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế về kinh tế biển, du lịch và năng lượng tái tạo. Sự kết hợp này tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch các đô thị sinh thái tích hợp, tận dụng lợi thế của từng khu vực.
Quá trình sáp nhập giúp TP HCM mới giải quyết các điểm nghẽn về quỹ đất, hạ tầng và không gian phát triển. Với quỹ đất mở rộng, thành phố có thể triển khai các dự án đô thị sinh thái quy mô lớn, đặc biệt tại các khu vực như Cần Giờ, Củ Chi (TP HCM), Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên (Bình Dương) và Long Đất, Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Những khu vực này có tài nguyên thiên nhiên phong phú như rừng ngập mặn, bờ biển dài và đất nông nghiệp, là nền tảng để phát triển các đô thị sinh thái kết hợp du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng sạch.
TP HCM mới cần xây dựng một kế hoạch tổng thể với các tiêu chí rõ ràng về tỉ lệ không gian xanh (ít nhất 30% diện tích đô thị). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Hơn nữa, sáp nhập thúc đẩy liên kết hạ tầng giao thông, với các dự án trọng điểm như đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và các tuyến metro kết nối từ trung tâm TP HCM đi các khu vực. Những dự án này không chỉ giảm áp lực giao thông mà còn tạo điều kiện cho mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) - một yếu tố quan trọng của các đô thị sinh thái.
Việc sáp nhập sẽ giúp tái cấu trúc không gian đô thị theo hướng bền vững. Bởi lẽ, sáp nhập tạo cơ hội để TP HCM mới rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể, khắc phục tình trạng đô thị hóa tự phát. Các khu đô thị sinh thái có thể được thiết kế với tỉ lệ không gian xanh cao, hệ thống thoát nước thông minh và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Ví dụ, khu vực Cần Giờ, với hệ sinh thái rừng ngập mặn được UNESCO công nhận, có thể trở thành một đô thị sinh thái biển, kết hợp bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. Tương tự, các khu vực nông thôn như Bàu Bàng có thể được quy hoạch thành các đô thị sinh thái nông nghiệp, tích hợp trang trại công nghệ cao và khu dân cư xanh.
Bên cạnh đó, có thể khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Bà Rịa - Vũng Tàu, với hơn 300 km bờ biển và các khu vực như Côn Đảo, là điểm nhấn cho phát triển du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi. Trong khi đó, TP HCM có khoảng 20.000 ha đất nông nghiệp và 2.000 ha đất rừng, chủ yếu tại Củ Chi và Cần Giờ, phù hợp để phát triển các khu đô thị sinh thái kết hợp nông nghiệp bền vững và không gian xanh.
TP HCM mới sẽ thu hút đầu tư và ứng dụng công nghệ xanh. Quy mô lớn của TP HCM mới, cùng với hạ tầng giao thông đồng bộ, sẽ tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư quốc tế. Các dự án đô thị sinh thái tại TP Thủ Đức, Bình Dương hay Cần Giờ có thể thu hút sự quan tâm từ nhiều nước trên thế giới, với các giải pháp công nghệ như năng lượng mặt trời, xử lý nước thải tiên tiến và giao thông thông minh.
Cuối cùng, quy mô mới của TP HCM sẽ giúp xây dựng cộng đồng bền vững và kinh tế xanh. Các đô thị sinh thái không chỉ tập trung vào hạ tầng mà còn hướng tới xây dựng cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường. Sau sáp nhập, TP HCM mới có thể tăng cường triển khai các chương trình giáo dục về lối sống xanh, tái chế và sử dụng năng lượng bền vững tại các phường ở khu vực trung tâm. Các mô hình kinh tế tuần hoàn, như tái sử dụng nước thải hoặc sản xuất nông sản sạch… cũng có thể được áp dụng rộng rãi. Trong khi đó, du lịch sinh thái tại Côn Đảo, Vũng Tàu và Cần Giờ sẽ tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đồng thời bảo tồn văn hóa và bản sắc vùng.
Đô thị đáng sống
Để tận dụng cơ hội từ sáp nhập, TP HCM mới cần xây dựng một kế hoạch tổng thể với các tiêu chí rõ ràng về tỉ lệ không gian xanh (ít nhất 30% diện tích đô thị), sử dụng năng lượng tái tạo (đạt 20% tổng năng lượng tiêu thụ vào năm 2030), hệ thống giao thông công cộng chiếm 50% phương tiện di chuyển... cùng một số tiêu chí khác để bảo đảm yếu tố thân thiện với môi trường. Với điều kiện hiện tại, TP HCM mới sẽ có rất nhiều khu vực có thể xây dựng thành các đô thị sinh thái kiểu mẫu.
Ngoài ra, thành phố cần khuyến khích các dự án PPP (đối tác công - tư) để huy động vốn đầu tư vào hạ tầng xanh, như hệ thống năng lượng mặt trời, xử lý nước thải, hệ thống giao thông xanh và công viên đô thị. Các chính sách ưu đãi thuế và đất đai sẽ thu hút các nhà đầu tư quốc tế vào các dự án đô thị sinh thái.
Bên cạnh đó, xây dựng đô thị sinh thái có mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cho nên cần thực hiện việc lấy ý kiến rộng rãi, để bảo đảm sự đồng thuận trong quy hoạch; thông qua đó lồng ghép việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đô thị sinh thái nói riêng, về bảo vệ môi trường nói chung. Đồng thời, các đô thị sinh thái nên bảo tồn các địa danh lịch sử để giữ gìn bản sắc văn hóa.
Cuối cùng là các đô thị sinh thái cần tích hợp công nghệ thông minh, như hệ thống quản lý giao thông thời gian thực và cảm biến môi trường, để tối ưu hóa tài nguyên.
NGUYỄN MINH HẢI
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/lang-nghe-nguoi-dan-hien-ke-huong-den-do-thi-sinh-thai-ben-vung-196250520212118207.htm