Người dân TP. HCM không khỏi xót xa khi những khu đất công từng bị bỏ hoang lâu năm, chỉ để các pháp nhân mua bán lòng vòng hoặc lập dự án khống, thế chấp vay ngân hàng, rút vốn tiền tỷ, đến nay vẫn tiếp tục bị quây tôn, bỏ trống.
Có vị trí đắc địa ngay Quận 1 trung tâm TP. HCM, nhưng nhiều năm qua, khu “đất vàng” tại số 8-12 Lê Duẩn bị chiếm dụng làm bãi giữ xe không phép. Khu đất gần 5.000m² này liên quan đến cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Tài và một số cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM trong vụ án “biến đất công thành đất tư”. Tháng 9/2022, Cục Thi hành án dân sự đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở TN-MT Thành phố quản lý, tiếp nhận. Đến nay, khu đất vẫn bỏ hoang.
Cách đó không xa, khu “đất vàng” hơn 6.000m² tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, cũng bị bỏ hoang lãng phí, quây tôn lâu năm làm mất thẩm mỹ bộ mặt đô thị. Khu đất này cũng liên quan đến sai phạm của Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín trong vụ án biến đất công thành đất tư, được TAND cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm vào tháng 1/2022 và đến tháng 10/2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM được giao quản lý. Trước đó đã bị bỏ hoang lâu năm, đến nay, cỏ dại tiếp tục mọc um tùm.
Ngoài ra, TP.HCM còn hàng chục khu đất, dự án vẫn bị bỏ hoang phí do trong quá trình tố tụng, thi hành án.
Bà Nguyễn Thị Bích, Quận 1, TP. HCM cho biết: “Tòa nhà trước cửa Nam chợ Bến Thành thi công lâu rồi, tới giờ này chưa xong. Giờ mong sao khu này được làm lại cho đẹp bộ mặt Thành phố, để cho khách du lịch, người dân thấy đất không bị bỏ hoang phí".
Sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận hàng loạt sai phạm xảy ra tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (Quận 1), chỉ rõ việc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã cố ý trì hoãn khai thác, sử dụng đất kể từ năm 2010, rồi hợp tác lòng vòng với Công ty Việt Hân, bán dự án trái phép, lập dự án khống vay ngân hàng nhiều ngàn tỉ, UBND TP. HCM đã thu hồi vào năm 2022. Đến nay, khu đất vẫn để hoang tàn.
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho hay: “Bản án, Quyết định của Tòa ngoài tuyên các việc thấu tình đạt lý thì các vấn đề dân sự vẫn chưa thực sự rõ ràng. Dẫn đến cơ quan thi hành án, các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan,… rất khó khăn".
Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc cho rằng: “Vì liên quan đến vấn đề kinh tế, tội phạm tham nhũng, nên các biện pháp truy vết dòng tiền, vấn đề thu hồi, kê biên, phong tỏa các tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nỗ lực rất lớn và đây là một trong những cơ sở để sau này có giải pháp và biện pháp thu hồi các tài sản bị thất thoát hoặc bị tham nhũng".
Thực tế cho thấy, các khu đất công bị bỏ hoang tại trung tâm TP. HCM đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó, lãng phí tài nguyên đất đai là một lãng phí lớn khi mà nhu cầu về đất đai cho các dự án phát triển đô thị, nhà ở và cơ sở hạ tầng tại TP. HCM hiện rất cao. Bên cạnh đó, các dự án bỏ hoang còn gây mất mỹ quan cho bộ mặt đô thị của một thành phố là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Dư luận đang mong chờ lời giải đáp cụ thể của UBND TP. HCM và các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận, quản lý, và phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực tài sản công được thu hồi sau khi kết thúc các đại án.
Phúc Minh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/lang-phi-dat-cong-thu-hoi-sau-thi-hanh-an-279409.htm