Lãng phí trong đầu tư công: Phải kiên quyết để '1 đồng vốn, 4 đồng lời'

Lãng phí trong đầu tư công: Phải kiên quyết để '1 đồng vốn, 4 đồng lời'
3 ngày trướcBài gốc
Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.
Lãng phí đầu tư công kể mãi chưa hết
Theo số liệu thống kê mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, có 5 nhóm dự án trọng điểm của thành phố bị chậm tiến độ kéo dài. Trong danh mục các dự án giao thông chậm tiến độ được thành phố quyết định đầu tư, có 115 dự án sử dụng vốn ngân sách, 67 dự án vướng giải phóng mặt bằng, 8 dự án vướng thủ tục đầu tư. Dự án đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn, dài 4 km, có vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, nhưng chưa thực hiện do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng vốn đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, cũng phải lùi kế hoạch khởi công đến năm 2025, chậm hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu.
Tại Bình Dương, dự án Bệnh viện đa khoa 1.500 giường (tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng) được khởi công từ năm 2014, đến nay sau 10 năm triển khai vẫn dang dở, bị bỏ hoang cho cỏ mọc.
Tại nhiều tỉnh, thành phố, còn vô số nhóm công trình giao thông, xây dựng dân dụng…, được liệt vào danh sách các công trình có vốn đầu tư công chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chưa thể xác định thời hạn hoàn thành. Đơn cử như dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm TP Hồ Chí Minh (vốn đầu tư 800 tỷ đồng) khởi công năm 2013, dự kiến hoàn thành năm 2015, nhưng sau 11 năm vẫn chưa hoàn thành phần thô. Tại Hà Nội, dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, có tổng đầu tư 16.290 tỷ đồng dự kiến hoàn thành cuối năm 2022, đến nay nhiều đoạn đang thi công thì bỏ dở…
Chắc chắn còn nhiều những dự án, công trình đầu tư bằng vốn Nhà nước trải dài trên khắp cả nước đang ở trong tình trạng như một số dự án kể trên.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, khi thảo luận dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), ý kiến một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào luật các quy định siết chặt quản lý, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án đầu tư công chậm tiến độ, nhằm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Những đề xuất của các đại biểu cũng cho thấy những quy định mang tính “đột phá”, mạnh mẽ phân quyền để tháo gỡ các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, triển khai dự án… Tất cả được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế, giúp cho nhiều dự án “đóng băng” đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng trên, cần cải tiến mạnh mẽ quy trình đầu tư công ngay từ khâu lập dự án, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và giám sát trong thực hiện dự án. Các dự án cần lập kế hoạch chi tiết, với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, đồng thời phải tuân thủ quy trình quản lý, kiểm tra, ứng dụng công nghệ số trong giám sát dự án, đặc biệt là giám sát tiến độ và chi phí của công trình.
Trả lời báo chí xung quanh vấn đề này, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng: Phải tăng cường kiểm toán các dự án đầu tư xây dựng quan trọng quốc gia, kiểm toán việc thực hiện các cơ chế đặc thù; KTNN tham gia ngay từ khâu xem xét quyết định chủ trương đầu tư đến quá trình triển khai thực hiện, thanh, quyết toán.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì kể kinh nghiệm đi Trung Quốc, một tỉnh của Trung Quốc 3 năm người ta làm được 2.000 km đường cao tốc. "Tôi có hỏi một đồng chí bộ trưởng tại sao làm được nhanh thế, tại sao Trung Quốc làm được nhiều thế, tại sao lại rẻ thế. Các đồng chí nói có 3 vấn đề: Một, các đồng chí có dám vay không; Hai là, các đồng chí có phân cấp mạnh cho địa phương không; Ba là, chúng tôi thành lập các công ty nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công. Đường sá, cầu cống xong chúng tôi chuyển nhượng lại quyền khai thác đó cho tư nhân, chúng tôi thu hồi vốn đó về và chúng tôi vẫn tranh thủ được vốn của tư nhân và vốn của Nhà nước đi làm việc khác. Chúng tôi cứ quay vòng như thế và làm rất nhanh".
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công… cũng chính là gây lãng phí
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ giải ngân một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước vào nền kinh tế. Đồng thời giải ngân vốn đầu tư công tăng 10% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,6 điểm phần trăm. Đó là chưa kể, nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng “một” điểm phần trăm sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm khoảng 0,12 điểm phần trăm.
Tính chung từ đầu năm 2024 đến nay vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước.
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng để hơn 300 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân theo mục tiêu đặt ra. Nếu không nỗ lực tăng tốc gấp đôi, gấp 3 trong chặng “nước rút” này - thì khó có thể hoàn thành giải ngân nguồn “động lực quan trọng” cho tăng trưởng.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hệ quả của việc giải ngân chậm sẽ khiến lãng phí 3 lần. Một là, lãng phí từ việc công trình chậm đưa vào sử dụng. Hai là, tiền để đấy, Nhà nước phải trả lãi. Ba là, nhà thầu phải đi vay ngân hàng.
“Vốn đầu tư công là vốn đi vay, phải trả lãi, nên cần phải quản lý thật chặt. Không cố gắng giải ngân sẽ dẫn tới đầu tư không hiệu quả, lãng phí, thất thoát, nhưng không vì thế mà để xảy ra tình trạng trì trệ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) thì khẳng định, tham nhũng là làm thất thoát tài sản công chuyển thành tài sản cá nhân, nhưng lãng phí gây thất thoát cả tài sản công, tài sản của xã hội, làm mất đi lợi ích của xã hội.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư côn chậm phần lớn là do chưa quyết liệt gắn trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu vào việc này. Thay vì chỉ phê bình hay điều chuyển vốn từ những dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang những dự án có tỷ lệ giải ngân cao cần thí điểm những biện pháp mạnh tay hơn là điều chuyển công tác những vị trí đứng đầu; thay những người sợ làm, sợ trách nhiệm bằng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2024 nhiều dự án được giao vốn lớn nhưng lại có tỷ lệ giải ngân thấp, như dự án Vành đai 3 TP.HCM, dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh… Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương bất cập; còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ (gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công).
ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam): Cần xử lý dứt điểm vướng mắc ở dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2
Cần tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối các chương trình mục tiêu quốc gia, nghiên cứu cơ chế cho phép địa phương được điều chuyển nguồn vốn từ các dự án kém hiệu quả sang dự án trọng điểm khác để phát huy nguồn lực đầu tư… Có vấn đề nữa liên quan đến đầu tư công, đây là vấn đề đã được nhiều cử tri, Nhân dân và các đại biểu quan tâm và đã có nhiều ý kiến lâu nay. Đó là đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, đơn vị có liên quan để xử lý dứt điểm những vướng mắc tồn đọng ở Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam để sớm đưa 2 bệnh viện này đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
ĐBQH Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang): Một dự án kéo dài do được điều chỉnh bởi nhiều luật
Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn, vướng mắc mà vấn đề lớn nhất đó là thời gian để thực hiện dự án. Hiện nay, các dự án đầu tư công được điều chỉnh bởi khá nhiều luật có liên quan, ít nhất cũng khoảng 9 luật nên việc phối hợp xin ý kiến, thẩm tra, thẩm định làm cho thời gian kéo dài và việc chuẩn bị đầu tư này mất gần 2 năm, cho đến khi thực hiện đầu tư công lại bị trượt giá và phải tiếp tục điều chỉnh các thủ tục, làm cho thời gian thực hiện của dự án còn lại không nhiều, mặc dù theo quy định mới thì dự án thuộc nhóm A là 6 năm, của nhóm B là 4 năm cũng rất khó để hoàn thành.
Vấn đề thứ hai, về quy hoạch và giải phóng mặt bằng. Có thể nói, đây là nỗi ám ảnh của nhà đầu tư cũng như nhà thầu xây dựng khi thực hiện các dự án đầu tư công. Bởi vì, tính chất phức tạp, thủ tục kéo dài, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tiến hành xác định nguồn gốc của đất, xác định giá, phương án bồi thường, di dời, tái định cư, v.v. tất cả phải được sự đồng thuận chung của cộng đồng mới được. Cho nên, các dự án có giải phóng mặt bằng đều rất chậm, có khi kéo dài hơn cả thời gian triển khai dự án làm cho việc giải ngân gặp rất nhiều khó khăn vẫn không đạt yêu cầu.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận): Dự án trùm mền và… lãng phí niềm tin
Lãng phí ở đây là lãng phí về nguồn lực xã hội, nguồn lực của đất nước trong các dự án trùm mền, công trình đắp chiếu hiện nay trên phạm vi cả nước. Có thể đến nay chúng ta chưa có số liệu thống kê thật sự đầy đủ về sự lãng phí trên nhưng theo tôi nghĩ con số này không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng, đó là con số về mặt tài chính còn những lãng phí hệ lụy xoay quanh nó. Ví dụ, lãng phí về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước,… thì không đo đếm hết và trước hết đó là lãng phí niềm tin của nhân dân.
Tôi xin đơn cử các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành, hàng nghìn, hàng trăm nghìn căn hộ xây dựng rồi bỏ trống hoặc xây dựng dở dang, trơ gan cùng tuế nguyệt hay các công trình dự án xây dựng hàng chục năm nhưng vẫn chưa xong.
Về nguyên nhân có nhiều nhưng nguyên nhân như thế nào đi nữa, xuất phát từ nhà đầu tư, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước. Đây là của cải, là nguồn lực của xã hội, là của đất nước chúng ta cần phải tháo gỡ. Việc Quốc hội, Chính phủ xem xét, đưa ra các cơ chế chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống đó là đồng hành, là kiến tạo để cho sự phát triển của đất nước chứ không phải là hợp thức hóa các sai phạm.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị): Gỡ điểm nghẽn nhân lực
Tại kỳ họp này của Quốc hội, có lẽ một cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc cho đến các phiên thảo luận, đó là cụm từ "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn". Quốc hội đã và đang bàn rất nhiều đề xuất từ Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, trong đó có 5 luật về đầu tư và 7 luật về tài chính, ngân sách. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định các luật về đầu tư có nhiều điểm mới, rất đột phá, giải phóng được sức sản xuất, khơi thông được các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới. Tôi đánh giá rất cao về tinh thần này. Nhưng theo tôi, để gỡ được điểm nghẽn về thể chế thì rất cần nhân lực mà nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn.
HOÀI VŨ (ghi)
MAI HƯƠNG
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/lang-phi-trong-dau-tu-cong-phai-kien-quyet-de-1-dong-von-4-dong-loi-10294159.html