Lãng phí từ một dự án không gian du lịch biển

Lãng phí từ một dự án không gian du lịch biển
3 giờ trướcBài gốc
Do vòi tắm tráng không thể hoạt động, du khách phải dùng gáo múc nước để tắm. Ảnh: N.CHUNG.
Dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn (gọi tắt là DA phía Đông) được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT vào các năm 2015, 2016. Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) trúng thầu, theo hình thức đối tác công tư; nhà đầu tư được phép kinh doanh, khai thác trong 29 năm để thu hồi vốn, sau khi thu hồi vốn xong sẽ bàn giao công trình lại cho Nhà nước.
Dự án được thiết kế bởi kiến trúc sư nước ngoài, bao gồm nhiều hạng mục: Các Hubway, khu công trình phục vụ nhu cầu của khách tắm tráng, khu nhạc nước, khu khuôn viên cây xanh, khu vui chơi, giải trí cho trẻ em... Tuy nhiên, Tập đoàn FLC chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng, khai thác gồm: 14 Hubway, 14 công trình tắm tráng trong nhà, 12 công trình tắm tráng ngoài trời, với tổng giá trị đầu tư xây dựng khoảng 100 tỷ đồng.
Trong thời gian Tập đoàn FLC quản lý, vận hành, các Hubway hầu như phục vụ được tất cả các nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt phù hợp với các gia đình có quỹ thời gian ngắn, đi về trong ngày. Mỗi Hubway được thiết kế rất hiện đại: Quầy bar trong nhà phù hợp với các vị khách thích sự yên tĩnh, riêng tư; khu vực bàn ghế ngoài trời được thiết kế, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét gần gũi với thiên nhiên, mang hơi hướng của biển; khu vực gửi đồ, tắm tráng được quy hoạch gọn gàng, sạch sẽ...
Đến năm 2021, sau khi Tập đoàn FLC bàn giao lại cho địa phương vận hành và khai thác, các công trình này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục ở hầu hết các Hubway, khu tắm tráng nằm dọc trên bãi cát gần như không phát huy được công năng sử dụng, khách du lịch muốn tắm tráng ở hệ thống này phải dùng đến xô, gáo múc nước... Các cửa kính của Hubway bị vỡ phải dùng thanh gỗ để gia cố, khu vệ sinh cỏ mọc um tùm, 1 tủ điện bị cháy nổ dẫn đến 11 Hubway khác không có điện để vận hành. Bên cạnh đó, một số máy bơm nước cũng bị cháy nhưng không được sửa chữa, không có trong hạng mục thanh toán. Hiện các Hubway chưa có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nên chỉ được bán hàng đóng gói và nước dừa.
Được biết, tháng 8/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có chủ trương cho phép chấm dứt hợp đồng BOT đối với DA phía Đông. Đến ngày 6/12/2022, Tập đoàn FLC đã có văn bản báo cáo về chi phí đầu tư xây dựng các hạng mục của DA khoảng 100 tỷ đồng; về kinh doanh từ năm 2016 - 6/2022, lợi nhuận sau thuế âm 1,54 tỷ đồng. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã đồng ý cho Tập đoàn FLC trả lại và giao cho TP Sầm Sơn cùng các ngành liên quan tiếp nhận tài sản để đưa vào tài sản công.
Hiện UBND TP Sầm Sơn đang giao cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch quản lý 2 Hubway, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố quản lý 1 Hubway và 11 xã, phường, mỗi đơn vị quản lý 1 Hubway. Đối với hệ thống tắm tráng, trước đây khi Tập đoàn FLC vận hành thì có đủ các loại máy như: Máy tăng áp, máy bơm bể chứa, máy hút... nên mới cung cấp đủ lượng nước cho du khách sử dụng dịch vụ. Còn hiện nay, nếu có khách tắm thì các khu tắm tráng chỉ có thể dùng máy bơm nước ngầm lên các thùng chứa, rồi lấy gáo và xô múc.
Về những tồn tại trên, ông Bùi Quốc Đạt - Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn cho biết: Theo dự kiến, sau khi tiếp nhận DA phía Đông sẽ đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức đấu giá quyền vận hành, khai thác, quản lý 14 Hubway ven biển theo đúng quy định. Nhưng không hiểu vì lý do gì, từ đó đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thể tổ chức đấu giá.
“Vì chưa đấu giá lựa chọn nhà thầu mới vận hành, khai thác dự án nên hàng năm, thành phố vẫn phải trích kinh phí từ nguồn ngân sách tự chủ của địa phương để tu sửa tạm thời lại các hư hỏng phát sinh”- ông Đạt nói.
Nguyễn Chung
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/lang-phi-tu-mot-du-an-khong-gian-du-lich-bien-10291688.html