Nhiều công trình, trụ sở cũ ở Quảng Ngãi bị bỏ hoang

Nhiều công trình, trụ sở cũ ở Quảng Ngãi bị bỏ hoang
2 giờ trướcBài gốc
Đất vàng bị bỏ hoang
Hiện nay, nhiều trụ sở cũ bị bỏ hoang do xây dựng công trình mới, hoặc sáp nhập huyện. Hệ thống cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trong khi nhu cầu sử dụng đất đai tại địa phương vẫn rất cao.
Vào tháng 9/2018 Dự án Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện Sơn Tịnh với tổng mức đầu tư khoảng 367 tỷ đồng tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh được khánh thành và đưa vào sử dụng cũng là lúc nhiều trụ sở làm việc cũ bị bỏ hoang. Cụ thể, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện (diện tích khoảng 1.100m2), Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện nằm trên đường Võ Nguyễn Giáp thuộc phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Sơn Tịnh bị bỏ hoang nhiều năm.
Theo ghi nhận của phóng viên, hệ thống cơ sở vật chất tại 2 trụ sở này hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, tường nhà bong tróc, nứt nẻ. Khuôn viên hai trụ sở cây cỏ mọc um tùm, nhếch nhác. Tại trụ sở của Phòng Giáo dục và Đào tạo, người dân còn tận dụng khuôn viên bỏ hoang để bày bán cây cảnh, trồng bắp.
Anh Nguyễn Văn Hòa trú phường Trương Quang Trọng chia sẻ, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Sơn Tịnh và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tịnh có diện tích lớn và nằm ở vị trí đắc địa nhưng bị bỏ hoang 6 năm nay, gây lãng phí.
Trụ sở cũ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tịnh trở thành điểm bán cây cảnh.
Hay, Sân vận động Sơn Tịnh (phường Trương Quang Trọng) có diện tích trên 14.200m2. Đây từng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhưng nhiều năm qua lại đóng cửa, không sử dụng.
Theo tìm hiểu, năm 2014, thực hiện Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 12/12/2013 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sơn Tịnh, huyện Tư Nghĩa để mở rộng địa giới hành chính TP Quảng Ngãi và thành lập phường Trương Quang Trọng thuộc TP Quảng Ngãi, sân vận động của huyện Sơn Tịnh giao cho UBND TP Quảng Ngãi quản lý, sử dụng.
Sau khi chuyển giao, các giải bóng đá truyền thống của huyện Sơn Tịnh chuyển về sân vận động bóng đá xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh để tổ chức. Cũng từ đó, sân vận động Sơn Tịnh rơi vào tình trạng bỏ hoang, cây cỏ dại mọc um tùm, nhếch nhác.
Bà Nguyễn Thị Hoa (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) chia sẻ, trước khi sáp nhập phường vào TP Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh thường tổ chức giải bóng đá và các chương trình văn nghệ, thể dục thể thao ở đây, đông vui lắm. Tuy mấy năm nay đóng cửa để không, người dân ở đây ai cũng tiếc.
Vẫn chưa có phương án sử dụng tài sản dư dôi
Tương tự, năm 2020, sau khi sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng, tất cả tài sản của huyện Tây Trà được bàn giao cho huyện Trà Bồng quản lý, gồm hàng chục khu nhà công vụ, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 589.000 m², tổng giá trị hơn 516 tỷ đồng; cùng với 12 ôtô, máy móc, trang thiết bị trị giá hơn 72 tỷ đồng. Dù địa phương đã rất cố gắng sắp xếp, nhưng do số lượng các trụ sở, nhà cửa dư dôi quá nhiều sau sáp nhập nên chưa sử dụng hết.
Sân vận động Sơn Tịnh có diện tích trên 14.200m2 cũng bị bỏ hoang nhiều năm sau khi sáp nhập.
Một người dân ở huyện Tây Trà cho biết, các trụ sở này được đầu tư hàng tỷ đồng từ tiền nguồn ngân sách nhưng bây giờ bỏ hoang, lãng phí rất lớn.
Theo báo cáo của UBND huyện Trà Bồng, địa phương đã xây dựng xong phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định của Nhà nước. Trong đó đã sắp xếp, điều chuyển 9 cơ sở nhà đất của 7 cơ quan, đơn vị thuộc huyện Tây Trà cũ với tổng diện tích đất là 11.555 m², diện tích xây dựng sàn là 3.359 m². Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu tiếp nhận của xã Trà Phong để phục vụ cho việc làm trụ sở các cơ quan xã là rất ít.
Chủ trương của huyện trong thời gian tới, địa phương sẽ tiến hành mời gọi đầu tư và bán đấu giá, nhưng rất khó thực hiện vì không tìm được người mua. Hơn nữa, theo thời gian, nhiều công trình đã xuống cấp và hư hỏng.
Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho hay, huyện đã nỗ lực sắp xếp sử dụng nhiều trụ sở dôi dư sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trụ sở chưa được sử dụng sau khi sáp nhập, huyện đang giao cho Phòng Tài chính tham mưu xem có bán, chuyển nhượng được không, nhưng hiện rất khó vì hầu như không ai ở địa phương có nhu cầu. Trước mắt, huyện quản lý những trụ sở dôi dư sau sáp nhập nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xuống cấp.
Hoàn Nhân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/nhieu-cong-trinh-tru-so-cu-o-quang-ngai-bi-bo-hoang-d226600.html