Lạng Sơn đánh thức 'báu vật' du lịch thám hiểm hang động

Lạng Sơn đánh thức 'báu vật' du lịch thám hiểm hang động
21 giờ trướcBài gốc
“Báu vật” của vùng núi phía Bắc
Công viên địa chất Lạng Sơn trải rộng trên nhiều huyện và TP. Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) với tổng diện tích hơn 4.842 km2, là một trong những công viên địa chất lớn nhất Việt Nam. Khu vực này được phân chia thành 24 hệ tầng địa chất, trong đó có 15 hệ tầng lần đầu được xác lập tại Lạng Sơn. Các vận động kiến tạo từ 65 - 23 triệu năm trước đã hình thành những di sản địa chất và cảnh quan đa dạng như ngày nay.
Công viên địa chất Lạng Sơn có địa hình đa dạng với khoảng 200 hang động, hình thành từ 5 dạng địa hình tiêu biểu: kiến tạo, xâm thực, bóc mòn, tích tụ và karst. Nhiều hang động chứa di tích khảo cổ, văn hóa, lịch sử có giá trị như Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, hang Dơi, hang Gió, Nhị - Tam Thanh. Những tài nguyên này tạo tiềm năng lớn cho du lịch thám hiểm hang động, leo núi thể thao, dù lượn, trekking…
Năm 2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn hợp tác với Công ty cổ phần Việt Nam Expeditions tiến hành khảo sát hang Khuôn Bồng, cổng trời Yên Sơn, hố sụt, hang Ngườm Moóc, hang Đán Lài. Bước đầu, chương trình hợp tác rất hiệu quả trong việc đánh giá tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch thám hiểm Công viên địa chất Lạng Sơn, truyền thông, quảng bá tiềm năng du lịch thám hiểm, nâng cao vị thế của Công viên địa chất Lạng Sơn.
Theo kế hoạch, tháng 9/2025, tỉnh Lạng Sơn đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tại Chile. Tháng 11/2025, tỉnh sẽ tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, Công viên địa chất Lạng Sơn là “báu vật” của vùng núi phía Bắc Việt Nam. Đó là minh chứng sống động, gói gọn trong những cảnh quan đa dạng với hành trình trải qua 500 triệu năm tiến hóa của sự sống. Từ vùng biển cổ xưa và vùng đất núi lửa đến rừng gỗ nghiến, mỗi mặt của Công viên địa chất đều kể một câu chuyện độc đáo. Công viên địa chất là một tấm thảm rực rỡ về sự đa dạng sắc tộc, với những đóng góp về phong tục và truyền thống độc đáo của mỗi nhóm dân tộc.
Đời sống tâm linh của Công viên địa chất bắt nguồn sâu xa từ Đạo Mẫu, một tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử tự nhiên, đa dạng văn hóa và truyền thống tâm linh khiến Công viên địa chất Lạng Sơn trở thành một điểm đến độc đáo để tìm hiểu, khám phá.
Ngày 8/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phiên họp Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tiến hành đánh giá và 100% thành viên đã thống nhất công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Phát huy thế mạnh và phát triển du lịch bền vững
Hiện có 4 tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn, gồm 38 điểm tham quan với chủ đề: “Tiến hóa sự sống nơi miền đất thiêng” đã được hình thành. Công viên địa chất Lạng Sơn được hy vọng là một trong những điểm đến hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đột phá, thu hút lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh.
Chia sẻ về phát triển du lịch bền vững thám hiểm hang động, các chuyên gia, đơn vị du lịch khẳng định, tỉnh Lạng Sơn cần có chính sách, kế hoạch phát triển du lịch thám hiểm hang động một cách bài bản để bảo tồn những giá trị của Công viên địa chất Lạng Sơn và thu hút khách bền vững.
“Cách tiếp cận tốt nhất trong quản lý tác động khám phá hang động là xây dựng kế hoạch chiến lược, dài hạn với sự tham gia của các bên liên quan... Đặc biệt, người hướng dẫn, cung cấp dịch vụ thám hiểm cần được chứng minh được đào tạo đầy đủ về các khía cạnh an toàn và bảo tồn hang động”, PGS-TS. Trần Tân Văn (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) nhận định.
Theo ông Phạm Văn Mạnh, Giám đốc Công ty Việt Nam Expeditions, để khai thác hiệu quả và bền vững, tỉnh Lạng Sơn cần chọn lọc kỹ lưỡng đơn vị tổ chức, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, bảo tồn thiên nhiên và mang đến trải nghiệm chuyên sâu, khác biệt cho du khách.
Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, để phát triển du lịch thám hiểm hang động bền vững, một trong những giải pháp quan trọng là thiết lập giới hạn lượng khách tham quan tại các hang động nhạy cảm nhằm tránh tình trạng quá tải, làm mất cân bằng vi sinh và hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống lối đi, bậc thang và các tuyến tham quan có kiểm soát là cần thiết để giảm tác động trực tiếp của du khách lên nền hang động và các cấu trúc địa chất. Đồng thời, tỉnh có thể tổ chức các chương trình “du lịch có trách nhiệm”, khuyến khích du khách tham gia các hoạt động bảo tồn như thu gom rác, trồng cây xanh tại các khu vực sinh thái nhạy cảm; áp dụng công nghệ giám sát môi trường bằng cảm biến, camera tại các điểm du lịch trọng yếu để theo dõi tác động của con người đối với hệ sinh thái hang động, từ đó điều chỉnh kịp thời các biện pháp bảo tồn.
“Việc bảo tồn bền vững không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá của Công viên địa chất Lạng Sơn, mà còn tạo dựng hình ảnh một điểm đến du lịch có trách nhiệm, thu hút nhóm khách yêu thiên nhiên, đam mê khám phá, nhưng vẫn có ý thức cao về bảo tồn môi trường”, PGS-TS. Trần Tân Văn nhấn mạnh.
Hồ Hạ
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/lang-son-danh-thuc-bau-vat-du-lich-tham-hiem-hang-dong-d247587.html