Lạng Sơn có hơn 43.370 ha rừng hồi, chiếm khoảng 70% diện tích hồi cả nước, trong đó hơn 28.000 ha hồi đang cho thu hoạch ổn định, sản lượng hoa hồi khô đạt từ 7.500 đến 16.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 1.700 tỷ đồng/năm.
Hoa hồi hay hồi là sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh, có giá trị kinh tế cao, cho ra các sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như dược liệu, hương liệu, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ... thị trường tiêu thụ rộng. Hoa hồi Lạng Sơn là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại Liên minh châu Âu (EU).
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thiết lập được 2 chuỗi liên kết sản phẩm hồi và các sản phẩm từ hồi với quy mô trên 1.000 ha tại huyện Chi Lăng và huyện Tràng Định. Trong đó, Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu Nông Lâm sản Lạng Sơn (Aforex) là một trong những chuỗi liên kết sản phẩm hồi. Việc hình thành chuỗi liên kết bước đầu đã góp phần nâng cao giá trị, ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường về hàng hóa, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và hướng đến xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lạng Sơn, chị Phạm Thị Giang sinh năm 1973 hiện là Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông Lâm sản Lạng Sơn - đã có hơn nửa đời người gắn bó với cây hồi.
Sản phẩm chế biến từ hoa hồi của Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông Lâm sản Lạng Sơn.
Năm 2011, chị Giang quyết định thành lập Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông Lâm sản Lạng Sơn. Ban đầu, chị hợp tác với một doanh nghiệp ở Hà Nội để thu mua và phân phối hoa hồi. Nhờ cách làm bài bản, sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn dần xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Đến năm 2013, công ty tách ra hoạt động độc lập. Đây cũng là thời điểm chị Giang miệt mài tham gia hàng trăm hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm. Năm 2015, công ty được chính quyền địa phương giao 300ha rừng hồi liên kết với nông dân. Cũng trong năm đó, nhờ những lần tham gia hội chợ tại Dubai, công ty đã ký kết hơn 50 hợp đồng xuất khẩu hoa hồi ra nước ngoài.
Khi mọi thứ đang dần đi vào quỹ đạo, khó khăn bất ngờ ập đến. Trung Quốc bắt đầu thu mua hoa hồi với giá cao, trong khi sản lượng tích trữ của công ty chỉ đủ đáp ứng 10% hợp đồng đã ký. Đứng trước nguy cơ mất uy tín trên thị trường quốc tế, chị Giang quyết định thế chấp mọi tài sản có thể để gom đủ nguyên liệu hoàn thành hợp đồng. Nhưng sau đó, công ty lâm vào khủng hoảng tài chính, đối diện nguy cơ phá sản.
Rất may, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Lạng Sơn cùng hai ngân hàng lớn, công ty được giãn nợ, có thời gian khôi phục sản xuất. Đây cũng là bài học quan trọng khiến chị Giang quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh.
Không chỉ dừng lại ở việc thu mua thô, công ty bắt đầu nghiên cứu và chế biến hơn 30 sản phẩm từ hoa hồi. Chị Giang cùng con gái - vừa tốt nghiệp Đại học Thương mại - tiếp tục tham gia các hội chợ quốc tế, hoàn thiện hồ sơ tiêu chuẩn sản phẩm theo yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.
Chị cũng chia sẻ: “Đó là những ngày rất gian khó, khi mà các chuyên gia nước ngoài sang thẩm định, chỉ một đám khói, một người dân nuôi chó ven rừng thì chúng tôi cũng không đạt tiêu chuẩn. Và mọi thứ lại phải bắt đầu lại, cho đến khi hoàn thiện tất cả. Sau bao quyết tâm và nỗ lực cuối cùng chúng tôi cũng đã có được “tấm vé vàng” để đưa hoa hồi, các sản phẩm từ hoa hồi đến thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, Dubai một cách hợp pháp, chính thống. Đó là Chứng nhận: Organic của Nhật Bản, Chứng nhận Halal”.
Vừa vượt qua giai đoạn khó khăn, công ty lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Hàng hóa tồn đọng, xuất khẩu đình trệ, dòng tiền bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty đã nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững hơn.
Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông Lâm sản Lạng Sơn xây dựng điểm trưng bày các sản phẩm làm từ hoa hồi.
Hiện nay, khu trưng bày sản phẩm rộng gần 10.000m² của công ty không chỉ là nơi giới thiệu hơn 30 dòng sản phẩm từ hoa hồi mà còn có dây chuyền sản xuất bánh, lò sấy… Công ty đã ký hợp tác với người dân trên diện tích 380ha, dự kiến năm 2024 sẽ thu mua khoảng 100 tấn hoa hồi khô, trị giá 15 tỷ đồng.
Không dừng lại ở xuất khẩu, chị Giang còn ấp ủ dự án phát triển du lịch trải nghiệm với cây hồi. Công ty sẽ tổ chức tour cho du khách trực tiếp tham gia thu hái, chế biến, đồng thời mở rộng trạm trưng bày sản phẩm tại điểm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Lạng Sơn xác định hồi là một trong những cây trồng lâm nghiệp chủ lực của tỉnh, giúp người dân trong tỉnh nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Do đó, tỉnh đang từng bước nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững loại cây đặc sản này, góp phần khẳng định thương hiệu của hoa hồi Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.
Trà Giang