Làng tôi...

Làng tôi...
2 giờ trướcBài gốc
Cha tôi sinh ra ở nhà bên ngoại, cạnh một bến nước bên tả ngạn sông Trà Khúc mà người làng gọi là bến Ông Cả Tác. Cả Tác cũng là tên thường gọi của ông ngoại cha tôi theo tập quán gọi tên cha mẹ theo tên con đầu.
Bến Hà Nhai, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Ảnh: L.H.K
Sinh ra rồi lớn lên ở bến sông nên mới chừng mười tuổi cha tôi đã là một “con rái cá”, suốt ngày lặn hụp ở bờ sông, mò tôm, bắt ốc, đu bánh xe nước. Đu bánh xe nước là trò chơi của đám trẻ sống ven bờ sông Trà Khúc. Nhảy ùm xuống nước, bơi ngược dòng phía sau bờ xe, dùng đôi tay đu vào một trong những thanh tre của bánh xe mà mấy ông thợ gọi là “bậc thang”, như kiểu chơi xà đơn, nhưng là khi những bánh xe đang quay. Lên đến độ cao chừng 3m, người chơi buông tay, rơi thẳng xuống dòng nước, rồi lặn hụp ngược dòng, tóm lấy thanh tre, tiếp tục cuộc chơi.
Lên 12 tuổi, ông bà ngoại cúng “hạ đàng”, đưa cha tôi về quê nội. Hạ đàng là lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên theo cổ tục khi người con trai vừa tròn một giáp, đủ 12 tuổi mụ. Nhà bên nội cha tôi cách bến Ông Cả Tác không xa lắm. Ông bà nội tôi có đến 12 người con, nhưng hầu như mọi chuyện đi về nhà ngoại mà người lớn có thể sai bảo con cái đều do cha tôi tự nguyện đảm nhận. Có khi mang về biếu ngoại tô đường dẻo, chục bánh tráng nhúng đường non, khi thì xin mớ cá bống về kho tiêu, mùa đông lại xin bó dây xe về làm củi đúc bánh xèo…
Dây xe là tên gọi chung những loại dây bò trên những thân cây cao trong rừng. Theo một thỏa thuận giữa đại diện cổ đông xe nước và các già làng người Hrê, từng nhóm “thợ lấy dây” từ dưới đồng bằng lên miền núi, mang theo tư trang, gạo, mắm, vượt qua Lũy Dài (Trường Lũy) đi vào rừng sâu sống hằng tháng trời, chặt dây, bó thành từng cuộn, kết bè thả theo sông trôi về xuôi. Dây rừng dùng kết nối, neo giữ thăng bằng cho các bánh xe nước, chủ yếu làm bằng tre. Chuẩn bị vào mùa mưa, khi các bờ xe được tháo dỡ để tránh bị lũ cuốn, phần tre đã qua sử dụng được chọn giữ lại, dây xe thì bỏ đi, làm chất đốt. Đặc điểm của các loại củi từ dây rừng là lửa đượm nhưng không quá bốc, vừa đủ nhiệt cho các khuôn đúc bánh xèo, nên các bà nội trợ rất mê.
Mỗi lần về ngoại như vậy, chẳng kể nắng hay mưa, mùa nóng hay mùa rét, cha tôi đều tranh thủ ra bến sông nhảy ùm xuống nước, thỏa thuê lặn hụp, mãi cho đến khi bà Cả (bà ngoại của cha tôi) đứng trên bờ sông réo gọi, dọa nạt đến khản giọng mới chịu leo lên. Trong khi đứa cháu là cha tôi vừa dậm dậm đôi chân nghiêng nghiêng lắc lắc cái đầu tóc hoe cho nước thoát ra khỏi hai lỗ tai, gần như lần nào cũng nghe tiếng bà ngoại mắng yêu: “Mau về con ơi, mẹ mày cho ăn roi mà coi. Mày là con rái cá bến Ông Cả mà!”. Ông Cả, cha tôi gọi bằng ông ngoại, còn tôi gọi ông cố, đang nằm đong đưa trên chiếc võng dưới bóng tre trước nhà, lại trêu bà Cả: “Cháu ngoại như chó chạy ngoài đường”, mặc kệ nó bà ơi!". Ông nhỏm dậy cười khà khà, nhấp một ngụm trà rồi nói tiếp: "Coi bộ bà tưởng dễ mà thành rái cá bến sông Trà Khúc lắm à? Sinh ra trong bọc nước mới được như vậy đó bà!".
Trong câu đùa của ông cố tôi, nhắc chuyện về đứa cháu ngoại, có nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghe bà nội tôi kể, cha tôi là đứa con đẻ bọc điều, nghĩa là khi sinh ra khỏi bụng mẹ mà bọc nước ối vẫn chưa vỡ. Đây là hiện tượng rất hiếm gặp. Dân gian tin rằng người nào sinh ra như vậy sẽ rất gan dạ, lì lợm. Nhưng “bọc nước” của ông Cả còn ám chỉ việc cha tôi sinh ra ở một bến sông, mới oa oa chào đời đã nghe tiếng bờ xe nước rì rào hòa vào lời ru của bà, của mẹ.
Bờ xe nước sông Trà Khúc. Ảnh: NGỌC TRINH
Năm tháng lặng lẽ trôi qua, như cuộc đời bình dị, yên ả của những người dân sông nước quê tôi. Cha tôi lớn lên rồi cưới mẹ tôi, người cùng làng, nên tôi cũng được mẹ sinh ra gần một bến sông, cũng được ông bà ngoại gọi là “rái cá” từ khi mới võ vẽ con chữ ở trường làng. Nhưng tôi là con “rái cá bến Đá”, không phải là “rái cá bến Ông Cả” như cha tôi. Bến Ông Cả Tác, bến Biền, bến Đá, bến Ngân Giang, nằm dọc đầu làng tôi, sách vở xưa gọi chung là bến Hà Nhai.
Ông Tuần vũ Nguyễn Cư Trinh làm thơ ngâm vịnh “Quảng Nghĩa thập cảnh” (Mười cảnh Quảng Ngãi), khen nơi này là Hà Nhai vãn độ (Đò chiều bến sông). Những từ “đò chiều”, “bến sông” dễ gợi cho người ta cảm giác tịch liêu, trầm mặc. Kỳ thực, vẻ đẹp của bến Hà Nhai là khung cảnh một vùng sông nước thanh bình, tràn đầy sức sống, phóng khoáng, nên thơ. Ngày trước, ở đây có đò ngang nối các thôn Ngân Giang, Thọ Lộc, nay thuộc xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), phía tả ngạn với xóm Bãi, xóm Trại, xóm Buồng, nay thuộc các xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), bên hữu ngạn. Các bến sông này cũng là bến đò dọc trao đổi hàng hóa của bạn ghe kinh từ Thu Xà, Tam Thương, Quán Cơm lên Đồng Có, Đồng Ké, Ba Gia, Cù Và, Sơn Hà...
Chiều về, bến Hà Nhai trở nên nhộn nhịp, đông vui. Những người đánh cá, khai thác sạn, nhủi hến cho ghe neo lại bến Đá để trở về nhà sau một ngày nhọc nhằn sông nước. Đò dọc chở lâm thổ sản từ nguồn Sơn Hà về xuôi ghé qua bến Ngân Giang mua thêm hàng nông sản. Nậu buôn nguồn từ Trà Bồng, Thạch An; người buôn khoai sắn, thơm mít, thuốc liếp, lúa gạo từ chợ Than (xã Tịnh Hiệp), chợ Đình (xã Tịnh Bình), quang gánh xuôi cầu Bà Tá xuống bến sông chờ theo ghe kinh về hạ lưu. Nhưng nhiều hơn cả là những chuyến đò ngang đưa người làm ruộng mía, ruộng dâu từ Xuân Phổ (xã Nghĩa Kỳ) qua sông về bờ bắc.
Địa bạ Triều Nguyễn cho biết, trước đây, nhiều chủ điền bên bờ bắc xâm canh đất trồng mía (cam giá thổ), đất trồng dâu (tang căn thổ) tận bờ nam. Hằng ngày, từ tả ngạn, người làm ruộng theo đò ngang qua sông canh tác, cuối ngày lại từng đoàn rủ nhau ra bến nước trở về nhà. Tập "Quảng Ngãi tỉnh chí" (Nguyễn Bá Trác - 1933), mục Phong cảnh tự nhiên, có chép: “Hà Nhai vãn độ là chỉ bến đò Hà Nhai (Sơn Tịnh), vì dân buổi chiều đi làm mía làng Xuân Phổ về rất đông...".
Từ bến Ông Cả Tác nhìn sang làng Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Ảnh: L.H.K
Trước trận lũ lớn năm Giáp Thìn (1964) giữa dòng sông Trà Khúc, đoạn từ bến Đá nhìn ra, có một gò bồi khá rộng gọi tên “Gò Một”, là bãi thả trâu bò của mấy xóm nhà cuối Ngân Giang đầu Thọ Lộc. Ở đây bốn mùa cỏ non xanh mướt, chim mỏ nhát, vịt nước, cò trắng từng đàn chấp chới tìm mồi, vài chiếc thuyền câu lãng đãng, mái chèo khi khoan, khi nhặt.
Chiều xuống, trẻ mục đồng đưa trâu bò từ Gò Một vượt qua lạch sông về chuồng, hát hò nghêu ngao, râm ran cười nói. Lũy tre làng nghiêng ngả dọc bờ sông, những guồng xe nước cần mẫn rì rào, đàn bò thủng thỉnh theo con đường nhỏ; bãi dâu xanh rờn bờ bắc, bãi bói ngả nghiêng trong gió phía bờ nam; đò ghe san sát, kẻ lại người qua. Xa tắp trời tây, thấp thoáng bóng mây, bóng núi nhòa lẫn vào nhau trong ráng đỏ... Tất cả tạo nên khung cảnh thanh bình, trù phú, của một miền quê thân thương, bình dị.
Những biến động của thiên nhiên cùng đổi thay của đời sống kinh tế - xã hội làm cho bến Hà Nhai không còn giữ được vẻ đẹp như cách đây hơn nửa thế kỷ. Hình ảnh guồng xe nước quay đều trong nắng tà, những chuyến đò chiều, người qua kẻ lại đông vui đã lùi về quá khứ. Bến ông Cả Tác đã xói lở từ lâu, bến Đá bồi lấp thành bãi trồng dâu, bến Ngân Giang chỉ còn lác đác mấy con thuyền nhỏ của người buông chài, thả lưới, bến Biền lẩn khuất bóng tre xanh. Từ năm 2024, một bờ kè chống xói lở kết hợp giao thông đường bộ ven sông đã được xây dựng kiên cố bằng bê tông chạy từ bến đò Xóm Vạn (xã Tịnh Hà) lên tận bãi Xoang (xã Tịnh Sơn).
Suốt dặm dài ven sông là cánh đồng soi màu mỡ, miệt mài màu xanh của vườn cau, vườn chuối; đâu đó, thấp thoáng mấy bóng người mà nếu bạn lại gần, bắt gặp đầu tiên sẽ là khuôn mặt rạng ngời và nụ cười chân thành, hồn hậu. Sông nước êm đềm, đồng ruộng phì nhiêu như góp một phần hình thành cách sống thung dung, cởi mở của người dân vùng Ngân Giang, Thọ Lộc cho dù cuộc mưu sinh của họ vẫn còn lắm vất vả, gian lao. Chẳng thế mà nơi đây, từ bao đời vẫn lưu truyền câu ca dao vừa bao dung, nhân ái, vừa tha thiết tình quê: "Chẳng nên khanh tướng công hầu/ Thì về Thọ Lộc trồng dâu nuôi tằm...”.
LÊ HỒNG KHÁNH
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202410/lang-toi-70e0c37/