Tại cuộc họp, ông Lê Phú Nguyện, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, theo hướng dẫn của Trung ương, Đà Nẵng và Quảng Nam đã thành lập ban chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp triển khai công tác chuẩn bị. Khi sáp nhập sẽ rất nhiều việc, không chỉ thống nhất tên gọi hay nơi đặt trung tâm hành chính mà liên quan đến toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước.
Chưa ấn định phương án đặt tên, vị trí trung tâm hành chính sau khi sáp nhập Đà Nẵng - Quảng Nam.
"Sở Nội vụ Đà Nẵng và Quảng Nam đang tổ chức họp trực tuyến, phân công nhiệm vụ và hướng dẫn các sở, ngành triển khai trên tinh thần chủ động, nhằm xây dựng đề án trình Trung ương vào đầu tháng 5", ông Lê Phú Nguyện cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, hiện nay chưa có văn bản chính thức nào về việc đặt tên sau khi sáp nhập với Quảng Nam, cũng như vị trí đặt trung tâm hành chính.
Bà Thi cho biết, thành phố sẽ có thông báo cụ thể về việc này sau khi có thông tin chính thức từ Trung ương.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hà Nam, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thông tin, ngành xây dựng đã chủ động rà soát quỹ nhà ở xã hội, huy động các nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở dự kiến sẽ tăng cao, trong trường hợp trung tâm hành chính đặt tại Đà Nẵng.
Trong đó, chung cư đầu tư từ ngân sách thành phố như chung cư Vũ Mộng Nguyên (quận Ngũ Hành Sơn) tiếp tục được cân đối để đầu tư giai đoạn hai với 191 căn hộ.
Ông Nam cho biết thêm, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa làm việc với thành phố để thống nhất lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng chung cư. Hiện nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang triển khai các thủ tục đầu tư dự kiến với 730 căn hộ.
"Thành phố cũng nâng cấp nhà ở công nhân tại Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ) với 184 căn hộ. Vị trí này vẫn còn quỹ đất, thành phố đã giới thiệu cho Liên đoàn lao động kiểm tra thực tế, nghiên cứu để tiếp tục đầu tư bằng kinh phí của Liên đoàn với quy mô khoảng 500 căn hộ", ông Nam cho hay.
Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, đang cân đối lại ký túc xá sinh viên phía Tây thành phố với 728 căn để người lao động thuê.
Đối với nguồn lực tư nhân, thành phố tập trung đôn đốc các dự án nhà ở xã hội như khu Bàu Tràm (quận Liên Chiểu) có quy mô khoảng 2.736 căn. Dự án hiện đã cơ bản hoàn thành một số giai đoạn, đang được thúc đẩy đưa vào khai thác, bán cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định.
Bên cạnh đó, thành phố đang chỉ đạo khởi công trở lại hai dự án chung cư Đại Địa Bảo và An Trung 2 (quận Sơn Trà) với tổng quy mô khoảng 870 căn hộ. Đồng thời, kêu gọi đầu tư thêm hai khu chung cư mới tại quận Cẩm Lệ với 1.955 căn hộ, cùng nhiều dự án nhà ở khác trên địa bàn.
Về công tác quản lý giá, ông Nguyễn Hà Nam cho biết, thành phố hiện có khoảng 11.000 căn hộ nhà ở công cho thuê với mức giá do Nhà nước kiểm soát, đảm bảo phù hợp. Trong khi đó, nguồn nhà trọ do cá nhân, hộ gia đình cung cấp theo giá thị trường, nhưng quy mô không lớn.
Trước đó, chia sẻ về việc sáp nhập Đà Nẵng - Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Bởi không gian phát triển hiện nay Đà Nẵng rất chật chội, không còn không gian mở để phát triển. Còn Quảng Nam thì không gian phát triển rộng mở về cả đất đai, tài nguyên. Hai địa phương nhập lại để có một không gian phát triển to lớn hơn.
Trung ương đã giao cho hai địa phương thành lập ban chỉ đạo để thực hiện việc sắp xếp này.
Các bên sẽ ngồi lại thảo luận, thống nhất đề án rồi mới triển khai thực hiện chủ trương về cụ thể hóa việc sáp nhập.
Vĩnh Nhân