Ngày 18/7, báo Dân trí và Văn phòng UBND TP Hà Nội tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi xe máy xăng ở nội đô: Vì một Hà Nội xanh”.
Trao đổi tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có 6,9 triệu xe máy và xấp xỉ gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động, trong đó 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ.
Theo ông Long, kết quả nghiên cứu cho thấy, nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Hà Nội là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, theo thống kê chiếm 58-74%, tùy từng thời điểm.
Ông Long cũng dẫn tính toán của Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải cho thấy, lượng phát thải từ xe máy là rất lớn. Vì thế, việc tiếp tục sử dụng hàng triệu xe máy cũ không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội mà còn làm suy giảm chất lượng không khí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, chưa kể vấn đề về tai nạn giao thông”, ông Long thông tin thêm.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đào Việt Long. Ảnh: PV.
Từ những vấn đề trên, ông Long cho rằng, Hà Nội đang đẩy mạnh chính sách vùng phát thải thấp và chuyển đổi phương tiện giao thông xanh trong thời gian tới. Theo ông, việc thay thế xe cũ bằng xe điện hoặc xe đạt chuẩn có thể giúp giảm 35-40% lượng khí CO và HC, đồng thời cải thiện chất lượng không khí và tiết kiệm năng lượng.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện giao thông xanh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đã quan tâm chỉ đạo từ nhiều năm nay với mục tiêu giải quyết ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.
HĐND thành phố đã ban hành các nghị quyết, Thủ tướng cũng ban hành các quyết định để chuyển đổi phương tiện xanh và Hà Nội cũng đã có đề án để chuyển đổi xanh liên quan đến vận tải công cộng.
Ông Long cho biết, Hà Nội sẽ tập trung chuyển đổi xanh đối với phương tiện giao thông cá nhân của người dân và coi đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, có tác động rất lớn đến nhiều thành phần, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Sở Xây dựng Hà Nội đang nghiên cứu một cơ chế chính, trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông xanh cho người dân.
Ông Long cho biết chính sách này sẽ tập trung vào các cơ chế hỗ trợ qua nhiều hình thức: trực tiếp bằng tiền hay gián tiếp thông qua chính sách phí, lệ phí. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tính tới chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện xanh.
Với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, phương tiện công cộng, thành phố sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất vay để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi, hoặc chính sách liên quan đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xanh, nhằm giải quyết vấn đề lo ngại về trạm sạc.
“Vấn đề này chúng tôi đặt lên hàng đầu vì muốn phát triển giao thông xanh thì đáp ứng về hạ tầng rất quan trọng”, ông Long chia sẻ. Ngoài ra, ông cho biết Hà Nội sẽ có giải pháp về vận tải công cộng để phục vụ nhu cầu của người dân, giúp người dân hạn chế sử dụng xe máy.
Các cơ chế, chính sách, theo ông Long, sẽ được lấy ý kiến rộng rãi để lắng nghe, tiếp thu để người dân đồng thuận chuyển đổi, vì “có sự đồng thuận của người dân mới thành công”.
Tại tọa đàm, liên quan thông tin Hà Nội dự kiến sẽ hỗ trợ mỗi người dân 3-5 triệu đồng để chuyển đổi xe máy điện trong Vành đai 1, ông Phan Trường Thành – Trưởng phòng Tài chính – Đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội đính chính: thông tin trên là nội dung “thuộc sản phẩm nghiên cứu của đơn vị tư vấn, đề xuất trong dự thảo nghị quyết với một loạt các cơ chế, chính sách đi kèm”.
Ông Thành khẳng định, đây chưa phải là nội dung kết luận cuối cùng cũng như quyết định của thành phố Hà Nội. Nguyên nhân là bởi nội dung này liên quan đến ngân sách chung nên cần phải trải qua nhiều quy trình cũng như thủ tục đầy đủ.
“Xây dựng một nghị quyết sử dụng ngân sách của thành phố qua 17 bước, từ cấp cơ sở lên qua thẩm định các bước, lấy ý kiến phản biện xã hội, thông qua Mặt trận Tổ quốc, thẩm định của các ban của UBND thành phố rồi đến HĐND thành phố biểu quyết để đưa ra mức cuối cùng”, ông Thành chia sẻ thêm.
Trường Phong