Bãi thải quặng của mỏ tuyển đồng Sin Quyền lấn sát vào thôn Bản Trang, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, Lào Cai
Mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lo trốn chạy "tử thần"
Lâu nay, người dân ở thôn Bản Trang phải gánh chịu nhiều nhiều hệ lụy xấu từ bãi thải quặng của Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - Vimico là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Khoáng sản TKV. Đây được cho là mỏ đồng lớn nhất Việt Nam với tổng trữ lượng khoảng 53,5 triệu tấn quặng, công suất khai thác là 2,5 triệu tấn quặng/năm.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ khu vực giáp tuyến đường vào thôn Bản Trang, hàng núi thải quặng có màu đen như than được đổ chạy dọc vào sát đầu thôn, phía sau khu vực nương trồng dứa ở trên đầu thôn cũng là một núi bãi thải rất lớn.
Ngày nắng thì bùi mù mịt đường đi
Ngày mưa thì bùn đất nhão nhoét trơn trượt
Bà Tẩn Thị Chản, ở thôn Bản Trang, cho biết: "Vào những ngày nắng nóng thì khói bụi đen kịt bay hết vào nhà dân trong thôn, phơi quần áo mà không kịp cất thì chỉ sau vài cơn gió là chuyển sang màu đen hết. Nhà nào không kịp đóng cửa thì bụi bay vào đầy nhà, cùng với đó là những mùi khét rất khó chịu, nên vào mùa nắng nóng chúng tôi cũng không dám mở cửa nhà vì không thể chịu được cảnh bụi bẩn".
Bà Phàn Thị Hào cho biết: Người dân ở thôn Bản Trang đã kiến nghị rất nhiều lần lên chính quyền địa phương với mong muốn được di chuyển tới nơi an toàn nhưng vẫn không có kết quả
Chị Lý Thị Vân, chia sẻ: "Hàng ngày đưa đón trẻ đi học qua khu vực bãi thải là nỗi kinh hoàng với chúng tôi, bụi bay mù mịt không nhìn thấy đường, nên nhà nào cũng phải đưa đón các cháu bé đi học, nếu để các cháu tự đi về thì sẽ hít bụi suốt dọc đường rồi sinh bệnh tật rất nguy hiểm. Còn ngày mưa thì không bụi, nhưng đường thì lại lầy lội trơn trượt, bởi mặt đường toàn bùi thải quặng nhão nhoét rất dễ gây tai nạn ngã xe nếu như không cứng tay lái".
Điều đáng nói, tại khu vực đồi trồng dứa trên đầu thôn đã xuất hiện vết nứt, sạt lở sụt đất rộng hàng mét, nên người dân trong thôn vô cùng lo lắng, đặc biệt là vào những ngày mưa to gió lớn, họ đều rủ nhau bỏ nhà để tránh trú tới nơi an toàn.
Anh Lý A Nhớ đưa phóng viên đến khu vực đồi Nâu bị sụt lở đất
Dẫn chúng tôi đi mục sở thị khu vực có dấu hiệu sạt lở đất ở khu vực đồi Nâu phía trên đầu thôn Bản Trang, anh Lý A Nhớ chí sẻ: "Mới hôm trước xảy ra trận mưa to, gia đình tôi phải chạy ra ngoài lán ngủ, còn một số hộ gia đình thì phải lên nhà trường học để tránh trú, vì hiện tại khu vực đồi này đã sụt lở lên tới hàng mét rồi. Không ai yên tâm khi xảy ra mưa lớn, vì nó có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào".
Bải thải quặng khổng lồ đang đe dọa đến sự an toàn của 60 hộ gia đình người dân thôn Bản Trang
Sống bên nguồn nước nhưng cả thôn vẫn "khát nước"
Xưa kia, thôn Bản Trang luôn sẵn nguồn nước sạch từ nguồn núi Nâu, nhưng kể từ khi khu vực quanh thôn trở thành bãi thải quặng, các mạch nước người dân dùng từ nhiều đời nay đã bị ô nhiễm, chuyển sang màu đen, nên người dân không dám dùng. Thay vào đó, chính quyền địa phương lắp ống dẫn nước về cho các hộ dân dùng. Thế nhưng sau trận mưa lớn, nguồn nước kéo về thôn cũng bị nhiễm bẩn đục ngầu, thậm chí là bị mất nước vì mưa lũ cuốn trôi ống dẫn nước, khiến nhiều gia đình người dân bị thiếu nước dùng.
Mó nước ăn của người dân xưa kia nay đã chuyển màu đen và có mùi tanh
Mặc dù được dẫn nước sạch về thôn, nhưng người dân vẫn bày tỏ sự lo lắng bởi chất lượng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, vì ngay cả con suối chảy qua thôn cũng thường xuyên xuất hiện bọt trắng, bốc mùi tanh rất khó chịu.
Anh Lý A Minh cho biết: Trước kia con suối này nhiều cá tôm, cua lắm, nhưng từ ngày họ khai thác và đổ thải quặng ở khu vực này, thì cua, cá, tôm, đều chết hết cả, không còn con nào sống. Ngay cả ốc bươu vàng, trước kia người dân vẫn phải đi diệt ốc bươu vàng trong các ruộng lúa, nhưng đến nay cũng chẳng còn con nào sống cả".
Nước suối sủi bọt trắng và tôm, cua, cá đã không còn sống được ở con suối này
Bà Phàn Thị Hào cho hay: "Người dân chúng tôi kiến nghị rất nhiều lên các cơ quan chức năng để mong được giải quyết đảm bảo an toàn cho cuộc sống, nhưng họ cứ về kiểm tra rồi ghi chép xong lại đi, đến nay lại sắp vào mùa mưa lũ mới nữa, vẫn chẳng thấy họ xử lý di dời cho người dân đến nơi an toàn. Nên chúng tôi đều sống trong sự sợ hãi, ngày nắng thì bụi bặm còn chịu được, chỉ lo nhất vào ngày mưa bão mà xảy ra sạt lở thì không biết sẽ như thế nào nữa".
Các hộ gia đình người dân ở thôn Bản Trang đều sống trong lo lắng bất an
Trao đổi với phóng viên, ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ, cho biết: "Hiện toàn thôn Bản Trang có 60 hộ dân, việc bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường từ việc khai thác mỏ người dân cũng nhiều lần phản ánh lên UBND xã, chúng tôi cũng thường xuyên xuống kiểm tra và trả lời cho người dân. Tuy nhiên, việc xử lý di dời các hộ dân thì lại thuộc thẩm quyền của UBND huyện, hiện nay cũng đã có kế hoạch nhưng chúng tôi cũng chữa rõ là khi nào thì thực hiện".
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Hoàng Sa