Quảng Ngãi: Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Quảng Ngãi: Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng
7 giờ trướcBài gốc
Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ diễn tập ứng phó cháy rừng. Ảnh: Tấn Thành.
Thời gian gần đây, khu vực thị xã Đức Phổ nắng nóng kéo dài, diện tích rừng trồng nhiều nên nguy cơ cháy rừng là rất lớn. Do đó, dù giữa trưa, ông Đào Ngọc Ngãi, chủ rừng trồng vẫn đi kiểm tra các khu vực rừng của gia đình.
“Rừng của tôi tương đối lớn nên phải dùng lực lượng tại chỗ gồm anh em trong gia đình, bà con làng xóm để giữ rừng. Lực lượng kiểm lâm cũng như các cấp chính quyền cũng luôn nhắc nhở không được chủ quan”, ông Đào Ngọc Ngãi nói.
Ông Tạ Công Khiết, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ cho biết, toàn thị xã có gần 14.000 ha rừng phân bố trên các xã, phường, trong đó hơn 2.000 ha rừng tự nhiên và gần 12.000 ha rừng trồng. Để chủ động PCCCR mùa nắng nóng đơn vị đã yêu cầu các chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR, hướng dẫn, xây dựng các phương án PCCCR cho cộng đồng và hộ gia đình.
Người dân thị xã Đức Phổ cùng lực lượng chức năng diễn tập ứng phó cháy rừng. Ảnh: Chí Đại.
“Đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin nắng nóng, cảnh báo cháy rừng lên mạng xã hội để chủ động kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng; nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và đốt xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy trong những ngày nắng nóng”, ông Khiết cho biết.
Không chỉ thị xã Đức Phổ mà các ngành chức năng của tỉnh đã đi kiểm tra công tác PCCCR tại các huyện Trà Bồng, Sơn Hà, Bình Sơn, trong đó, tập trung kiểm tra, nhắc nhở công tác PCCCR ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao và chủ động các giải pháp phòng ngừa, ứng phó.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có gần 265.000 ha rừng, trong đó, có gần 107 ha rừng tự nhiên, hơn 158 ha rừng trồng. Độ che phủ rừng năm 2024 là 52,7%. Năm 2025, trên địa bàn tỉnh có hơn 159.000 ha nằm trong vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Trong đó, rừng trồng hơn 158 ha, rừng tự nhiên hơn 1.246 ha. Thế nhưng, nhờ làm tốt công tác PCCCR nên giảm đáng kể số vụ và diện tích rừng cháy. Cụ thể, năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng trồng, diện tích thiệt hại gần 16,7 ha. Trong 4 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cháy rừng.
Xe tuyên truyền lưu động kêu gọi người dân chủ động phòng cháy rừng mùa nắng nóng. Ảnh: Tấn Thành
Ông Phạm Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, để chủ động PCCCR, ngoài thành lập các tổ bảo vệ rừng 24/24 giờ, lực lượng chức năng còn gắn bảng nội quy tại các khu vực có khách du lịch đến tham quan, đặt bổ sung bảng cấm lửa ở các đường lộ ngoài bờ bao và trong rừng. Đồng thời, trang bị các thiết bị PCCCR phù hợp với đặc điểm tình hình của từng vùng, nhằm đảm bảo công tác PCCCR trong các tình huống được tốt nhất.
“Dự báo mùa nắng nóng năm nay sẽ kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như có các biện pháp đối với các hành vi xâm hại đến rừng; nghiêm cấm việc mang lửa vào rừng. Đối với người dân, nhất là các chủ rừng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối không xử lý thực bì trong thời điểm nắng nóng”, ông Phạm Duy Hưng nói.
Lực lượng chức năng Quảng Ngãi diễn tập phòng cháy rừng được đặt lên hàng đầu. Ảnh: Chí Đại.
Mới đây, tại cuộc họp về triển khai công tác PCCCR năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã yêu cầu các ngành chức năng thực hiện chỉ đạo "6 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền) trong công tác PCCCR của Trung ương, việc tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh cũng cần phải rõ. Cần thay đổi cách thức tuyên truyền, trong đó, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao. Việc tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm. Trường hợp nào cố tình vi phạm, để xảy ra cháy rừng phải mạnh tay xử lý.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào công tác PCCCR, nhất là sử dụng bản đồ vệ tinh, phần mềm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với trí tuệ nhân tạo (AI). Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải tham khảo các địa phương khác, các sở, ban, ngành để chủ động dự thảo các văn bản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, của sở để kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ khi không còn chính quyền cấp huyện. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc triển khai nhiệm vụ PCCCR trong năm 2025.
Tấn Thành, Chí Đại
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/quang-ngai-chu-dong-phong-chay-chua-chay-rung-10306130.html